Chức năng chính của thận là giúp điều chỉnh lượng nước và chất điện giải, hỗ trợ sản xuất hồng cầu cùng lọc chất lỏng, chất thải ra khỏi máu, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Tuy nhiên, huyết áp cao sẽ ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, từ đó ảnh hưởng đến việc cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho thận. Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ cho biết chỉ số huyết áp từ 130/80 mmHg trở lên được coi là huyết áp cao.
Trên thực tế, nhiều người bị huyết áp cao mà không biết. Không ít trường hợp dù biết mình bị huyết áp cao nhưng lại không có biện pháp kiểm soát huyết áp hiệu quả. Các thống kê ở Mỹ cho thấy chỉ 24% người bị huyết áp cao chú ý đến việc kiểm soát huyết áp.
Để chăm sóc tốt sức khỏe của thận, những người bị huyết áp cao cần hiểu rõ cách thức mà bệnh huyết áp cao ảnh hưởng đến thận.
Nếu không được điều trị, tình trạng huyết áp cao sẽ làm tăng áp lực lên các động mạch thận. Qua thời gian, các động mạch này sẽ bị tổn thương và cứng lại, dẫn đến chứng hẹp động mạch thận và làm hạn chế lưu lượng máu đến thận.
Không những vậy, Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết tổn thương động mạch thận sẽ làm suy giảm khả năng duy trì sự cân bằng của chất lỏng, muối, a xít và nhiều chất khác trong cơ thể.
Ngoài ra, những áp lực tăng thêm lên mạch máu sẽ làm chậm tốc độ lọc của thận. Tình trạng này làm tăng tích trữ nước cũng như các chất thải trong máu, chẳng hạn như chất creatine.
Huyết áp cao không được kiểm soát trong thời gian dài có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính. Đây là tình trạng mà chức năng thận dần dần bị suy giảm. Vì căn bệnh này thường không thể chữa được nên kế hoạch điều trị của bác sĩ sẽ tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ biến chứng, theo Healthline.
Nguồn: https://thanhnien.vn/huyet-ap-cao-khong-duoc-dieu-tri-than-se-bi-ton-thuong-the-nao-18524062716554881.htm