(HBĐT) – Hiện nay, việc thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) trên địa bàn huyện Yên Thủy đã đi vào nền nếp. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể luôn quan tâm triển khai, thực hiện QCDC gắn với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị và trách nhiệm của người đứng đầu, của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức.
Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ nên xã Đa Phúc (Yên Thủy) đã huy động người dân hiến đất, mở rộng đường xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện nhiệm vụ giám sát, MTTQ và các đoàn thể đã chủ trì tổ chức giám sát được 8 cuộc, tham gia giám sát với HĐND, các Ban của HĐND huyện và các cơ quan tư pháp được 6 cuộc; phối hợp tổ chức 12 hội nghị lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có trên 5.300 lượt người dự hội nghị, với 114 lượt ý kiến góp ý. Thực hiện công tác tiếp xúc, đối thoại, trong 6 tháng đầu năm 2023, lãnh đạo UBND huyện đã tổ chức được 5 cuộc đối thoại với Nhân dân và 1 cuộc đối thoại của đồng chí Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện với Đoàn Thanh niên huyện.
Đồng chí Bùi Thị Bình, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: Việc thực hiện QCDC ở các xã, thị trấn đã đạt hiệu quả tích cực. Các nội dung phải công khai để Nhân dân biết, Nhân dân bàn và giám sát đều được quan tâm thực hiện. Qua đó phát huy quyền làm chủ, tạo điều kiện để Nhân dân xây dựng Đảng, chính quyền, tích cực tham gia xây dựng và phát triển KT – XH, góp phần củng cố, giữ vững QP-AN.
Việc công khai quy hoạch, các công trình, dự án, các phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất đã được thực hiện nghiêm túc, tạo niềm tin của Nhân dân đối với hoạt động quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đặc biệt việc thực hiện dân chủ trong phát triển KT – XH, xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh, người dân được tham gia bàn, quyết định nhiều nội dung như: hình thức thực hiện, các khoản đóng góp (ngày công, tiền mặt, nguyên vật liệu…) đã huy động sự vào cuộc tích cực của người dân, nhất là việc tham gia xây dựng cảnh quan, môi trường và các công trình phúc lợi. Huyện Yên Thủy có nhiều nhà văn hóa, cổng làng trị giá hàng trăm triệu đến 1,3 tỷ đồng do huy động được nguồn lực từ Nhân dân. Điển hình như xóm Đại Đồng, xóm Thung (xã Ngọc Lương); xóm Lòng, Minh Sơn, Đồng Mai (xã Yên Trị); xóm Lương Tiến (xã Lạc Lương). Yên Thủy đã có 8/10 xã đạt chuẩn NTM, xã Yên Trị đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2016-2021.
Trên địa bàn huyện, 100% xóm, khu phố đã rà soát, sửa đổi bổ sung quy ước, hương ước phù hợp với địa phương, cơ sở. Công tác cải cách hành chính được quan tâm, các xã, thị trấn thực hiện khá tốt việc giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”; 100% xã, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa hiện đại. Các xã đã phân công cán bộ chuyên môn trực tiếp phụ trách bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của công dân; trực tiếp hướng dẫn giải quyết công việc thuận lợi, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho tổ chức và công dân đến giao dịch.
Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng và tổ hòa giải ở cơ sở đã có nhiều cố gắng. Các Ban Thanh tra nhân dân đã thực hiện giám sát 11 vụ việc. Các Ban Giám sát đầu tư cộng đồng tham gia giám sát 22 công trình, dự án. Thông qua giám sát đã phát hiện 2 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời. Các tổ hòa giải đạt trên 80% vụ hòa giải thành.
Thực hiện QCDC ở cơ sở, ngay từ đầu năm, nhiều chủ doanh nghiệp đã phối hợp với BCH Công đoàn tổ chức hội nghị người lao động theo quy định. Các doanh nghiệp đã rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế phù hợp với thực tế. Đến nay, trong huyện đã có 16 doanh nghiệp ban hành QCDC ở cơ sở; thỏa ước lao động tập thể, đạt tỷ lệ 76%.
Dương Liễu