Dự hội nghị có đồng chí: Đỗ Việt Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo; lãnh đạo huyện Yên Khánh, các ban, ngành, các xã, thị trấn, các tập thể, cá nhân tiêu biểu của huyện trong thực hiện Nghị quyết số 29.
Trong 10 năm qua, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Khánh đã quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 29; ban hành các văn bản để chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời, chất lượng. Các chương trình, kế hoạch, đề án về phát triển giáo dục và đào tạo được tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.
Đối với công tác đổi mới giáo dục và đào tạo, đã chú trọng đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học; tăng cường đổi mới dạy và học ngoại ngữ; chú trọng các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 bước đầu có hiệu quả tốt.
Năm 2022, huyện Yên Khánh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; chuẩn vững chắc phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 và chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng học sinh giỏi các bậc học (tiểu học, THCS, THPT) có nhiều chuyển biến tích cực, đạt kết quả tốt.
Việc đổi mới giáo dục nghề nghiệp ở địa phương có nhiều chuyển biến tích cực phù hợp với độ tuổi, đối tượng lao động và đạt kết quả rõ nét, hàng năm đào tạo nghề cho 500 lao động, tạo việc làm mới cho hơn 400 lao động nông thôn với mức thu nhập 5,5-6 triệu đồng/người/tháng.
Công tác bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên được tổ chức thường xuyên, giúp giáo viên cập nhật phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin, quán triệt và tổ chức thực hiện lấy người học làm trung tâm trong dạy và học, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trở lên chiếm 87,4%, có 7 nhà giáo được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Việc đầu tư và sử dụng ngân sách Nhà nước để phát triển giáo dục hiệu quả, đúng quy định, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng mới, sửa chữa trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị trường học giai đoạn 2013-2023 là trên 1.300 tỷ đồng. Đến nay, 100% trường Tiểu học, THCS, THPT đều đảm bảo đủ phòng học theo đúng quy định; 61/61 trường Mầm non, Tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia và ⅔ trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ được chú trọng, đã có hàng nghìn sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học cấp huyện được công nhận và đưa vào ứng dụng…
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn huyện. Yên Khánh luôn là đơn vị thuộc tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tại hội nghị, đã có 18 tập thể và 28 cá nhân được nhận Giấy khen của UBND huyện vì có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29.
* Ngày 9/6, Thành ủy Ninh Bình tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.
Dự hội nghị có lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Giáo dục và Đào tạo, các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; đại diện các ban, ngành, bí thư các đảng bộ, chi bộ trực thuộc; các trường học, các tập thể, cá nhân được khen thưởng.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đã chú trọng thực hiện Nghị quyết 29, coi công tác đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, triển khai các nội dung cơ bản của Nghị quyết 29; cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp gắn với tình hình thực tế của địa phương.
Công tác xây dựng Đảng trong trường học được quan tâm thực hiện, 10 năm qua, 41 chi bộ trường học đã kết nạp được 453 đảng viên mới. Giáo dục, đào tạo được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Ở hệ giáo dục Mầm non, 100% trẻ đến trường, lớp đảm bảo an toàn. Tỷ lệ học sinh Tiểu học, THCS đạt các danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi, học sinh xuất sắc đạt cao. Thành phố Ninh Bình luôn là đơn vị dẫn đầu ngành Giáo dục-Đào tạo của tỉnh về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi; 11 năm liên tục ngành Giáo dục-Đào tạo thành phố được Sở Giáo dục – Đào tạo tặng cờ dẫn đầu toàn tỉnh về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.
Việc đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục – đào tạo đảm bảo trung thực, khách quan; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập được tăng cường. Thông qua việc đổi mới các hình thức và phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục.
Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được phát triển đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Đến nay, toàn ngành có 2.157 cán bộ, giáo viên, nhân viên; trong đó có 118 cán bộ quản lý, 1.874 giáo viên, 165 nhân viên. 100% cán bộ quản lý có trình độ đào tạo đạt chuẩn; toàn ngành có 57 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ…
Công tác nghiên cứu khoa học được triển khai sâu rộng, có tính ứng dụng cao. Trong 10 năm qua, có nhiều sáng kiến kinh nghiệm được công nhận đạt cấp thành phố và cấp tỉnh. Công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được cấp ủy, chính quyền các cấp đưa vào nghị quyết đại hội trong các nhiệm kỳ, nhờ đó nhiệm vụ này đều thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch. Từ đó công tác giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố có những chuyển biến tích cực. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 các chỉ tiêu đề ra tại các chương trình, đề án, kế hoạch cơ bản hoàn thành và mang lại hiệu quả thiết thực.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được thời gian qua, trong đó tập trung vào những nội dung: công tác tham mưu bố trí nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường học; công tác giáo dục kỹ năng sống; công tác đào tạo nghề cho học sinh và người lao động…
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, các đại biểu thống nhất với các nội dung: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với việc đổi mới căn bản, phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo; quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường, lớp, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng xã hội học tập; thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông; đổi mới công tác quản lý giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng khoa học công nghệ vào giáo dục,…
Nhân dịp này, 7 tập thể, 10 cá nhân được Chủ tịch UBND thành phố khen thưởng vì đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Hồng Vân – Trần Dũng