Nghệ sĩ saxophone người Mỹ từng giành Giải Grammy – Kenny G – mong chờ ngày đến Việt Nam để ngắm cảnh đẹp và thưởng thức những món ăn ngon.
Nghệ sĩ kèn saxophone Kenny G sẽ biểu diễn trong chương trình Kenny G Live in Vietnam (nằm trong dự án Good Morning Vietnam) được tổ chức tại Hà Nội ngày 14/11 tới.
Đây là một trong những sự kiện âm nhạc được rất nhiều người hâm mộ thuộc thế hệ 7x, 8x mong chờ. Được biết, Kenny G dự định mang đến cho khán giả Việt nhiều điều mới mẻ, qua những tiết mục được phối mới, và đặc biệt là phần trình diễn dân ca Việt Nam.
Kenny G được công chúng biết đến là nghệ sĩ saxophone người Mỹ với hàng trăm bản nhạc không lời dòng Smooth Jazz, R&B, Pop và Latin đã làm lay động hàng triệu trái tim người yêu nhạc trên thế giới suốt hơn 30 năm qua (Ảnh: Ban Tổ chức).
Trước buổi biểu diễn, Kenny G đã tự thực hiện một video ngắn gửi từ Mỹ về cho Ban Tổ chức chương trình Kenny G Live in Vietnam. Không chỉ gây bất ngờ khi nói tiếng Việt, Huyền thoại saxophone còn thổi một đoạn nhạc và bày tỏ sự chờ ngày đến Việt Nam.
“Tôi là Kenny G. Xin chào tất cả mọi người. Tôi không thể chờ được đến khi quay trở lại Việt Nam. Tôi rất hào hứng được biểu diễn ở Hà Nội vào ngày 14/11. Tôi rất mong chờ được thăm đất nước xinh đẹp này một lần nữa.
Tôi muốn ghé thăm các danh lam thắng cảnh. Tôi rất thích đồ ăn Việt và cũng yêu quý con người Việt Nam. Hy vọng sẽ được gặp các bạn ở buổi biểu diễn tới”, ông chia sẻ trong clip.
Nhiều khán giả Việt biết đến Kenny G lần đầu năm 1994, khi ông xuất hiện trong bế mạc World Cup 1994 ở Mỹ, độc tấu bài Quốc ca. Thế hệ 7x, 8x biết đến ông qua những chiếc đài cassette cổ, những chiếc tivi phát nhạc không lời một thời.
Khi đến Việt Nam biểu diễn lần đầu năm 2015, chương trình của ông hút nhiều khán giả, từ người dân lao động cho tới giới doanh nhân.
Huyền thoại Kenny G sẽ diễn trong chương trình “Kenny G Live in Vietnam” tối 14/11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia. Chương trình này nằm trong dự án “Good Morning Vietnam” (Ảnh: Ban Tổ chức).
Âm nhạc của Kenny G giống như bản soundtrack của biết bao người sinh ra trong những năm 70 và 80 trên toàn thế giới. Người ta được nghe thấy nó dù đang ở đâu, trong thang máy, trong nhà hàng, trong cửa hiệu mua sắm, khi chờ đến lượt khám bệnh trong phòng khám nha khoa, giữa các chương trình truyền hình trên tivi và đài phát thanh…
Thậm chí ở một số nước, người ta mở bản Going Home của Kenny G để báo hiệu cho mọi người biết rằng đã tới giờ tan sở về nhà, và cứ tới tầm chiều muộn là bản nhạc thiết tha êm đềm của ông vang lên khắp phố phường.
Năm 1986, khi album Duotones được phát hành với hai ca khúc Songbird và Don’t Make Me Wait For Love, chúng đã trở thành những bản hit vô tiền khoáng hậu trong dòng nhạc jazz. Đặc biệt với Songbird, chỉ nghe vài nốt nhạc đầu tiên ngân nga là thính giả đã được trôi vào một cõi bềnh bồng thơ mộng.
Trong phim tài liệu Listening to Kenny G (HBO sản xuất năm 2021), khi được hỏi: “Ông chịu ảnh hưởng thế nào bởi những người đi trước?”, nghệ sĩ đáp: “John Coltrane hay Charlie Parker, kỹ thuật của họ thật phi thường. Nhưng kiểu âm nhạc như vậy chưa bao giờ khiến tôi rung động. Vậy nên đó không phải thứ nhạc tôi muốn sao chép”.
“Chân thành, cảm động” (heartfelt) là từ Kenny G thường dùng để miêu tả triết lý âm nhạc của mình. Thay vì khiến khán giả choáng ngợp vì kỹ thuật điêu luyện, ông chỉ muốn đi vào trái tim khán giả một cách đơn giản, chân thành.
Nhiều nghệ sĩ jazz thường có những album lấy cảm hứng từ các huyền thoại trong quá khứ, nhưng Kenny G thì không. Ông sáng tạo một cõi riêng để trò chuyện với khán giả. Nghệ sĩ tập trung vào giai điệu mềm mại, du dương, thay vì những đoạn ngẫu hứng đặc trưng của jazz.
Ở thập niên 90, ông thường kết hợp với những biểu tượng nhạc pop hoặc R&B như How Could An Angel Broke My Heart (với Toni Braxton), Everytime I Close My Eyes (với Babyface), By The Time This Night Is Over (với Peabo Bryson).
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2014, Kenny G chia sẻ kỷ niệm mua cây kèn của mình: “Tôi đăng một quảng cáo trên báo khi còn học ở trường trung học Franklin. Lúc đó, tôi 17 tuổi. Bài quảng cáo viết: “Đang tìm: Soprano sax”. Một anh chàng đến từ Lacey, Washington này đã hồi đáp”.
Vậy là Kenny G mua cây soprano sax từ anh ta với giá 300 USD. Nhưng vì sao ông không đổi kèn, dù khi là người học việc hay khi đã trở thành một ngôi sao?
Điều này được ông lý giải trong một cuộc phỏng vấn khác: “Khi tôi dùng một chiếc kèn mới, một chiếc kèn khác, nó chỉ như là một miếng kim loại với tôi. Nó không giống nhạc cụ của tôi, không giống như giọng nói của tôi, nếu bạn thứ lỗi cho sự so sánh ấy”…
dantri.com.vn