TPO – Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, huyện Thạch An phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 46% năm 2022 xuống còn 34% năm 2023; trung bình giảm trên 5 – 6%/năm.
Theo báo cáo; Thạch An là huyện miền núi có thành phần dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao chiếm đa số, sinh sống tại 69 xóm, bản chủ yếu là thuần nông, cuộc sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Các cấp, các ngành ở địa phương đã tập trung vào nhiệm vụ giảm nghèo bền vững sát với thực tiễn, nhu cầu, bức thiết cần giải quyết xã, xóm, bản đặc biệt khó khăn.
UBND huyện Thạch An ban hành quyết định, kế hoạch, công văn giao nhiệm vụ, hướng dẫn đôn đốc các phòng, ban, xã, thị trấn thực hiện chương trình một cách căn cơ, bài bản và tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị triển khai công tác giảm nghèo bền vững.
Nhờ các chính sách, hỗ trợ của nhà nước, người nông dân ở Thạch An đã đưa các giống có năng suất cao đưa vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: CB |
Bà Nông Thị Chuyền, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Thạch An cho biết: Bằng những nỗ lực đồng bộ, đến nay trên địa bàn đã được đầu tư 135 tỷ đồng thực hiện 7 dự án. Nhất là tại các xã đặc biệt khó khăn như: Trọng Con, Thụy Hùng, Vân Trình, Lê Lai đã được phân bổ trên 109 tỷ đồng đầu tư 25 dự án xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu về giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, điện lưới, trạm y tế, nhà văn hóa, duy tu bảo dưỡng các công trình dân sinh…
Bên cạnh đó, UBND huyện phân bổ trên 9,6 tỷ đồng đầu tư 22 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo từ trồng cây thạch đen, lê, hồi, chè hữu cơ chất lượng cao, bí xanh thơm; 17 mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp cải thiện dinh dưỡng như khoai tây, lạc, đỗ, ngô ngọt… “Phòng phối hợp với các ban, ngành, xã, thị trấn rà soát nghèo đa chiều, có 36.000 lượt người thuộc diện trong hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh, sinh viên được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội về y tế, giáo dục, hỗ trợ tiền điện, tín dụng chính sách phát triển mô hình kinh tế, lao động, học tập… Trong đó, có trên 2.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên diện hộ nghèo được tiếp cận vay hơn 130 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội đầu tư các mô hình sinh kế phù hợp, đi học chuyên nghiệp, học nghề tạo việc làm, xuất khẩu lao động”, bà Nông Thị Chuyền chia sẻ.
Trong niềm vui hiện rõ trên gương mặt, bà Nông Thị Chi, hộ cận nghèo xóm Đoỏng Lẹng, thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An cho biết: Gia đình tôi có đất đồi núi cao phù hợp với trồng hồi, chè hữu cơ nhưng trước đây không có vốn đầu tư. Năm 2021, được tiếp cận vay vốn nên gia đình tôi đầu tư gần 1 ha trồng hồi, chè hữu cơ và chăn nuôi, đến nay đã cho thu nhập ổn định.
Đẩy mạnh trồng cây cam đặc sản. Ảnh: CB |
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Ảnh: CB |
Theo báo cáo, bên cạnh chính sách tín dụng, bà con hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các dịch vụ phúc lợi xã hội khác. Trên 23.000 lượt bà con dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí; trên 2.600 học sinh được miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp gần 1 tỷ đồng. Với 7 chính sách an sinh xã hội được đưa đến đúng địa chỉ, đối tượng, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống là điểm sáng trong chương trình giảm nghèo bền vững ở huyện Thạch An.
Nguồn: https://tienphong.vn/huyen-mien-nui-thach-an-cao-bang-trien-khai-du-an-chinh-sach-giam-ngheo-ben-vung-post1562461.tpo