Thực hiện tốt quản lý đất nông nghiệp và đất bãi bồi ven sông
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng thông tin, Đông Anh là huyện ngoại thành nằm ở phía bắc của Hà Nội, là địa phương được UBND TP phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận đến năm 2025.
Trên địa bàn có 15/15 đồ án quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5000 (trong đó có quy hoạch phân khu đô thị R-Sông Hồng, R-Sông Đuống). Đây là một trong những cơ sở để UBND huyện tổ chức triển khai công tác quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực ngoài bãi sông, ngoài đê sông Hồng, sông Đuống.
Huyện đã hoàn thành lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu dân cư hiện có được tồn tại, bảo vệ gồm 4 đồ án: khu vực dân cư các thôn Yên Hà, Hải Bối, xã Hải Bối; khu vực dân cư thôn Ngọc Giang, xã Vĩnh Ngọc; khu vực dân cư các thôn Văn Tinh, Lực Canh, xã Xuân Canh; khu vực dân cư các thôn Phúc Thọ, Thái Bình, xã Mai Lâm.
Cùng với đó, công tác quản lý Nhà nước về đê điều được quan tâm thực hiện đạt kết quả cao. Huyện Đông Anh thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố về đê điều, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn.
Từ năm 2021 đến nay đã phát hiện 2 sự cố sạt trượt, báo cáo TP triển khai xử lý cấp bách điểm sạt lở bờ tả sông Đuống đoạn tương ứng từ K4+350 đền K5+050 đê tả Đuống xã Mai Lâm; sạt lở mái hạ lưu đê tả Đuống đoạn tương ứng từ K1+050 đến K1+450 đê tả Đuống thuộc địa bàn xã Đông Hội, Mai Lâm. Hiện nay cả 2 dự án xử lý cấp bách đã hoàn thành bảo đảm ổn định và an toàn đê điều.
Đối với công tác xử lý vi phạm về đất đai, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, trong những năm qua, công tác xử lý vi phạm đất đai trên địa bàn huyện được luôn được tăng cường, trên địa bàn các xã, thị trấn không phát sinh vi phạm mới về đất đai.
Trong năm 2022, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn xử lý được 178 trường hợp; năm 2023 xử lý được 398 trường hợp; 9 tháng đầu năm 2024 UBND các xã, thị trấn đã xử lý được 491 trường hợp vi phạm về đất đai trên địa bàn các xã, thị trấn. Đặc biệt nhiều vi phạm tồn tại cũ, phức tạp đến nay đã được xử lý dứt điểm.
Đối với công tác quản lý đất nông nghiệp và đất bãi bồi ven sông, huyện đã rất tích cực. Năm 2023, đã xử lý vi phạm và thu hồi đất nông nghiệp công để thực hiện các dự án trên địa bàn huyện đạt khoảng 60,7ha tại một số xã như Đông Hội, Xuân Canh, Tiên Dương, Vĩnh Ngọc, Nguyên Khê, Hải Bối… Việc tổ chức xử lý các vi phạm về đất đai và thu hồi để sử dụng thực hiện các dự án như: xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, cây xanh, bãi đỗ xe, sân bóng đá, kè ao… bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định và được Nhân dân ủng hộ:
Về công tác quản lý đất bến bãi, trên diện tích đất bãi bồi ven sông Hồng, sông Đuống của huyện có 18 điểm tập kết, trong đó 5 điểm đã có hồ sơ về sử dụng đất của TP cấp đang hoạt động; 13 điểm có một số tiêu chí phù hợp để làm điểm tập kết trung chuyển nhưng chưa đủ điều kiện hoạt động.
Khó trong xác định ranh giới khu dân cư tập trung
Mặc dù đạt được kết quả tốt trong quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng khu vực bãi sông nhưng trong quá trình quản lý Nhà nước huyện cũng gặp phải những khó khăn trong việc xác định ranh giới khu dân cư tập trung hiện có ngoài bãi sông theo yêu cầu tại tại khoản 3 Điều 2, Quyết định số 1045&1046/QĐ-UBND ngày 25/3/2022 của UBND TP về việc phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống. Cùng với đó là khó khăn trong công tác thu thập tài liệu, số liệu liên quan đến chứng minh nguồn gốc sử dụng đất đai và các tài liệu số liệu các công trình đê điều theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1905/SNN-TLPCTT ngày 21/6/2024.
Cùng với đó là khó khăn về căn cứ pháp lý thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các khu dân cư ngoài bãi sông khi không có sự đồng nhất giữa Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (trong danh mục khu dân cư được phép tồn tại bảo vệ tại phụ lục III quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình trên địa bàn huyện Đông Anh chỉ có khu vực dân cư Tàm Xá (thuộc 2 xã Vĩnh Ngọc và Xuân Canh) được phép tồn tại bảo vệ.
Các khu vực không được tồn tại, bảo vệ trong thời gian tới chưa được di dời, do chưa có kế hoạch cụ thể. Điều này làm ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân tại khu vực, không thể thực hiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đầu tư xây dựng kể cả khu vực phù hợp với quy hoạch phân khu đô thị…
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo huyện Đông Anh và một số sở, ngành trao đổi, làm rõ thêm các vấn đề đoàn giám sát quan tâm, phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Quí Tiên đánh giá cao việc huyện đã lãnh đạo, chỉ đạo quản lý Nhà nước lĩnh vực này rất tích cực, trong đó, đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch cụ thể triển khai. Đồng thời đề nghị huyện Đông Anh tập trung đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt với các đồ án quy hoạch chưa hoàn thành, có bảng biểu rõ thời gian; xác định rõ khu dân cư di rời và khu dân cư tiếp tục tồn tại.
Đối với công tác quản lý đất đai, Trưởng đoàn giám sát đề nghị huyện kiểm tra rà soát, có bảng biểu về xử lý và đôn đốc UBND các xã xử lý dứt điểm 1.500 trường hợp vi phạm về sử dụng đất; tiếp tục hoàn thiện việc thống kê đầy đủ diện tích đất, hiện trạng sử dụng đất, các trường hợp vi phạm, thời điểm vi phạm đối với quỹ đất ngoài đê, bãi sông để phục vụ công tác quản lý và triển khai các nhiệm vụ theo Luật Thủ đô 2024.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/huyen-dong-anh-thuc-hien-tot-quy-hoach-quan-ly-dat-khu-vuc-ven-song.html