10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế (gọi tắt Nghị quyết 29), huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung.
Xác định GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, những năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy Cái Bè đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về GD-ĐT.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, chất lượng GD-ĐT của huyện Cái Bè từng bước được nâng lên. (Ảnh: Trường THCS Thị trấn Cái Bè). |
Trên cơ sở Nghị quyết 29, Chương trình hành động 49 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Cái Bè đã ban hành Kế hoạch 45 về việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung kết luận, nghị quyết Hội nghị Trung ương 8; đồng thời, xây dựng Chương trình hành động 36 về thực hiện Nghị quyết 29.
Theo đó, các cấp ủy đảng của huyện Cái Bè cũng đã xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể phù hợp tình hình thực tế. Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn chỉ đạo của các cấp ủy đảng, của ngành GD-ĐT, các đơn vị trường học trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch nhiệm vụ từng năm học, nhằm đảm bảo thực hiện đạt kết quả nhiệm vụ giáo dục được giao.
Các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo ngành GD-ĐT huyện Cái Bè triển khai có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Các cơ sở giáo dục đã phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của học sinh; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học. Đa dạng các hình thức học tập phù hợp, chú trọng các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học.
Huyện Cái Bè cũng đã triển khai mô hình trường học VNEN ở 5 trường gồm: Tiểu học – Trung học cơ sở Mỹ Lợi B, Tiểu học An Thái Đông, Tiểu học Thiện Trí, Tiểu học Mỹ Đức Đông và Tiểu học Ngô văn Nhạc. Mô hình trường học VNEN đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực ở bậc tiểu học nhờ áp dụng phương pháp dạy học hiện đại.
Thực hiện mô hình này, các trường đã chú trọng phương pháp dạy học và hướng dẫn học sinh tự học, kết hợp lý thuyết và thực hành, coi trọng phân hóa các đối tượng học sinh. 100% các trường đã có Hội đồng tự quản trường, lớp hoạt động hiệu quả, góp phần duy trì và củng cố nền nếp trường lớp. Kỹ thuật dạy học của giáo viên từng bước được nâng cao, chất lượng giáo dục của trường học VNEN đã bằng và vượt chất lượng trường học truyền thống.
Việc đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT đảm bảo nghiêm túc, khách quan, phản ánh đúng chất lượng dạy và học, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục từ khâu soạn đề, ra đề, ngân hàng đề, đến khâu tổ chức thi, kiểm tra được thực hiện chính xác, đúng quy chế của Bộ GD-ĐT.
Công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Quy mô trường, lớp đáp ứng yêu cầu phát triển, trên địa bàn huyện Cái Bè hiện có 28 trường mầm non, 21 trường tiểu học, 23 trường THCS, 6 trường THPT, 1 Trường Trung cấp Kỹ thuật nghiệp vụ Cái Bè.
Nếu như năm học 2013 – 2014, toàn huyện có 12 trường đạt chuẩn quốc gia thì hiện nay đã có 41 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ gần 60%, có 3/6 trường THPT đạt chuẩn quốc gia, 50 trường được công nhận xanh – sạch – đẹp.
“Trong thời gian tới, huyện Cái Bè sẽ tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Nghị quyết 29. Thứ nhất, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện yêu cầu đổi mới căn bản. Thứ hai, tiếp tục điều chỉnh quy hoạch phát triển, sắp xếp, tổ chức lại mạng lưới và hệ thống giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất. Thứ ba, đổi mới quản lý, thực hiện tốt chuyển đổi số trong giáo dục. Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học. Thứ năm, đổi mới căn bản phương pháp và hình thức kiểm tra, đánh giá nhằm đảm bảo tính trung thực, khách quan. Cuối cùng là đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực phát triển giáo dục và chủ động hội nhập quốc tế”.
TRƯỞNG PHÒNG GD-ĐT HUYỆN CÁI BÈ PHẠM HÙNG THÁI |
Song song với công tác chỉnh trang trường lớp, huyện Cái Bè đã rà soát, sắp xếp lại đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới. Những năm 2013, 2014, toàn huyện có 2.518 cán bộ giáo viên nhưng chỉ có 45 giáo viên có trình độ sau đại học, tỷ lệ 1,78%; trình độ giáo viên đạt chuẩn có 87%, trên chuẩn 67%.
Đến nay, số lượng cán bộ, viên chức hoạt động trong ngành GD-ĐT huyện có 2.704 cán bộ, viên chức; trong đó, trình độ sau đại học 125 người, tỷ lệ 4,6%; đại học 2.054 người, cao đẳng 311 người, trung cấp 217 người; 100% giáo viên đạt chuẩn, trong đó trên chuẩn 80%, tăng 13% so với năm 2013.
Bên cạnh đó, công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý ngày càng có chất lượng và hiệu quả. Kết quả trong 10 năm qua, mỗi năm có 600 báo cáo sáng kiến kinh nghiệm ở cả ba cấp học tiểu học, THCS và THPT, với nhiều giải pháp thiết thực, mang tính sáng tạo, ứng dụng thực tiễn.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, huyện Cái Bè đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó quan trọng là triển khai, linh hoạt thực hiện tốt Nghị quyết 29 phù hợp với thực tế địa phương. Đó chính là chìa khóa mở đường, tập trung đổi mới ngay từ bậc mầm non và đổi mới trên nền tảng gốc của giáo dục là nhận thức chính xác về triết lý giáo dục truyền thống kết hợp đổi mới thời đại.
PHI CÔNG
.