(Tổ Quốc) – Sáng 9/12, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND Quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam”. Sự kiện thu hút đông đảo chuyên gia, các nhà khoa học thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật…
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và TS Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, TS Nguyễn Thế Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTTDL) cho biết: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, văn hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản sắc dân tộc, mà còn là một động lực kinh tế mạnh mẽ, góp phần làm gia tăng sự phát triển kinh tế- xã hội. Đảng ta luôn xác định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực phát triển bền vững của đất nước. Việc đầu tư cho văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Chúng ta cần xây dựng môi trường thuận lợi với những chính sách rõ ràng và cụ thể để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, từ đó hình thành các quỹ hỗ trợ văn hóa bền vững nhằm phát triển văn hóa một cách đồng bộ và hiệu quả.
“Hội thảo nhằm tạo ra một diễn đàn năng động, nơi các nhà đầu tư, các chuyên gia và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa có thể gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm, thảo luận những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực đầu tư, tài trợ cho văn hóa. Hội thảo là dịp để cùng tìm hiểu những mô hình đầu tư hiệu quả, những chính sách hỗ trợ tích cực, cũng như những giải pháp sáng tạo để huy động nguồn lực cho các dự án văn hóa chất lượng cao”- TS Nguyễn Thế Hùng nhận định.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nêu rõ, thực tế những năm qua cho thấy, văn hóa ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước. Do đó, việc huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa là cần thiết, để văn hóa là một trong bốn trụ cột phát triển bền vững đất nước cùng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu. Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn làm giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là, nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách hiệu quả.
Trước những hạn chế và rào cản trên, Hội thảo khoa học “Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam” được hy vọng là cầu nối giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tư duy đổi mới trong việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa; thảo luận các chính sách nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm phát triển bền vững văn hóa Việt Nam.
Có khoảng 20 tham luận, ý kiến phát biểu được trình bày, thảo luận tại Hội thảo. Ba nhóm vấn đề đáng chú ý được tập trung phân tích thực trạng, giải pháp, gồm: Đầu tư và tài trợ cho văn hóa tại Việt Nam – Góc nhìn đa chiều; Đầu tư và tài trợ cho văn hóa – Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra; Đầu tư và tài trợ cho văn hóa – Mục tiêu, công cụ chính sách cùng những sáng kiến định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo Hà Nội”.
Nhóm vấn đề thứ nhất, đề cập tới vai trò và sự cần thiết của hoạt động đầu tư và tài trợ cho văn hóa từ góc nhìn đa chiều với các bài tham luận của tác giả Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Đinh Công Tài, Lê Ngọc Anh, Vũ Thúy Hiền, Hoàng Thị Thu Thủy. Dù từ nhiều góc nhìn, song hầu hết các tham luận đều nhấn mạnh, tài trợ công cho văn hóa là rất quan trọng vì những lợi ích trực tiếp và gián tiếp mà chúng mang lại cho nền kinh tế và xã hội.
Nhóm vấn đề thứ hai, nhiều tác giả như Nguyễn Văn Tình, Vũ Hoa Ngọc, Nguyễn Thị Thu Phương, Đỗ Thị Thanh Thủy, Trần Thị Thủy, Jérémy SEGAY, Nguyễn Thị Anh Quyên, … đã nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp và kinh nghiệm về đầu tư và tài trợ cho văn hóa ở một số quốc gia và từ đó, gợi mở các hướng áp dụng cho Việt Nam. Các kinh nghiệm quốc tế về đầu tư và tài trợ cho văn hóa được giới thiệu từ nhiều góc độ: góc độ chính sách và cơ chế tài trợ từ trường hợp của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; góc độ phân ngành như kinh nghiệm đầu tư và tài trợ cho lĩnh vực công nghiệp sáng tạo, điện ảnh, bảo tàng, sân khấu, âm nhạc, di sản văn hóa từ các quốc gia như Anh, Pháp, Mỹ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…
Đáng lưu ý, một số diễn giả đã giới thiệu chi tiết về kinh nghiệm xây dựng mô hình gây quỹ đầu tư và tài trợ cho văn hóa từ Mỹ (Quỹ Văn hóa Quốc gia Hoa Kỳ -NEA), Anh (Quỹ Xổ số Văn hóa Anh – Heritage Lottery Fund – HLF), Nhật Bản (Japan Foudation), Hàn Quốc (Chính sách từ chính phủ, Quỹ hỗ trợ nghệ thuật, Ứng dụng công nghệ và truyền thông số, Quỹ từ các tổ chức/doanh nghiệp tư nhân…). Mô hình đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa cũng đã được đề cập tới với vai trò như là một trong những cơ chế, chính sách đầu tư và tài trợ hiệu quả từ sự thành công trong áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp, Trung Quốc….
Nhóm vấn đề thứ ba tập trung vào trao đổi về thực tiễn hoạt động đầu tư, hỗ trợ tài chính từ khu vực công, tư và đóng góp từ các nguồn đa dạng khác cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và sáng tạo ở Hà Nội nói riêng và ở Việt Nam nói chung trong thời gian qua, cũng như trong mục tiêu định vị thương hiệu của địa phương.
Trong phần trình bày, tác giả Đỗ Quang Minh đã hệ thống hoá, lý do mà Nhà nước cần phải đầu tư và tài trợ cho văn hóa nằm ở tính đa mục tiêu của lĩnh vực văn hoá. Các ngành văn hóa và sáng tạo trong nhiều năm qua không chỉ tạo ra sản phẩm văn hóa và sáng tạo, tạo việc làm và tạo ra doanh thu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của các thành phố và quốc gia mà còn có vai trò tích cực trong việc góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa và di sản, thúc đẩy sự hòa nhập của mọi tầng lớp trong xã hội và thậm chí, trong những giai đoạn khó khăn như Covid-19, văn hóa và nghệ thuật đã giúp cố kết và nâng cao sức chống chịu của người dân. Với những giá trị này, sự quan tâm, chú trọng, hỗ trợ của các bên liên quan, từ chính quyền, doanh nghiệp, tổ chức và công chúng rất quan trọng để những lợi ích này được khai thác hiệu quả nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.
Các bài tham luận của TS. Hà Huy Ngọc, Nhạc sĩ, Nhà sản xuất Quốc Trung đã tập trung trình bày và phân tích về thực trạng và hiệu quả đầu tư và hỗ trợ cho văn hóa đối với thành phố Hà Nội nói chung và khu phố cổ Hà Nội nói riêng; thực trạng đầu tư cho ngành và lĩnh vực cụ thể như điện ảnh Việt Nam hay tài trợ cho các doanh nghiệp/tổ chức tư nhân đang hoạt động trong lĩnh văn hóa và sáng tạo.
Đặc biệt, ở thảo luận bàn tròn, các diễn giả đã rất thẳng thắn và có tính xây dựng khi đề cập cụ thể tới các nhu cầu thực tiễn về tiếp cận nguồn lực đầu tư và tài trợ công của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa và sáng tạo cùng những nỗ lực chủ động của họ trong việc vượt qua các rào cản về mặt cơ chế chính sách, về hạn chế nguồn lực…
Tại Hội thảo, các ý kiến của các chuyên gia đều có sự thống nhất về quan điểm đối với các vấn đề trọng tâm như cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cụ thể nhằm tăng đầu tư công, thu hút và đa dạng nguồn đầu tư tư cho văn hóa; Thực hiện nghiên cứu và đánh giá toàn diện về thực trạng đầu tư và tài trợ cho văn hóa làm cơ sở cho việc tư vấn xây dựng chính sách đầu tư và tài trợ cho văn hóa phù hợp với cơ sở khoa học và thực tiễn của ngành; Tiếp nhận có chọn lọc từ những bài học kinh nghiệm về các mô hình đầu tư và tài trợ cho văn hóa của các quốc gia khác; Cần sớm xây dựng cơ chế và chính sách về đối tác công tư trong lĩnh vực văn hóa ở nước ta; Ưu tiên triển khai đầu tư và tài trợ cho các dự án có tiềm năng, thế mạnh thuộc lĩnh vực thiết kế, âm nhạc, mỹ thuật công cộng, nhằm định vị thương hiệu Hà Nội – thành phố sáng tạo và định hình mô hình quận nghệ thuật Hoàn Kiếm./.
Nguồn: https://toquoc.vn/dau-tu-va-tai-tro-cho-van-hoa-huy-dong-nguon-luc-nham-phat-trien-ben-vung-van-hoa-viet-nam-20241209144141478.htm