Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, chiều ngày 11/10 tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã tổ chức Hội nghị toàn quốc nghiên cứu triển khai nội dung Kết luận số 57-KL/TW, ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại; đồng chí Lê Hoài Trung – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; đồng chí Bùi Thanh Sơn – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Thượng tướng Trịnh Văn Quyết – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng chí Bùi Văn Thạch – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng tới dự và đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp với một điểm cầu Trung ương tại trụ sở Bộ Ngoại giao và được truyền hình trực tuyến đến 63 điểm cầu tại Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Đảng uỷ trực thuộc Trung ương, đồng thời được kết nối trực tuyến với các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài.
Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Quế Lâm – Phó Trưởng Ban Chuyên trách Ban chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại đã trình bày Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW, ngày 14/2/2012 của Bộ Chính trị (khoá XI) về Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2010-2020. Đồng chí Nguyễn Quế Lâm cho biết, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 16, công tác thông tin đối ngoại đã đạt được rất nhiều kết quả quan trọng góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Quế Lâm, công tác thông tin đối ngoại cũng tồn tại những khó khăn, bất cập và hạn chế cần khắc phục.
Đánh giá về tình hình hiện nay, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo đã nhận định, trước bối cảnh phức tạp, biến động khó lường của tình hình quốc tế và khu vực, bên cạnh những thành tựu to lớn mà đã đạt được, đất nước ta cũng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về chủ quan, khách quan khi bước vào một giai đoạn phát triển mới. Điều này đã đặt ra những yêu cầu vô cùng bức thiết, đòi hỏi thông tin đối ngoại cần không ngừng đổi mới, sáng tạo để bắt kịp xu thế thời đại của KHCN.
Ngày 15/6/2023, Bộ Chính trị chính thức ban hành Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới – đây được coi là văn bản pháp lý quan trọng, khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại; có tính chất định hướng chiến lược, là cơ sở để các cơ quan, đơn vị triển khai xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách bộ máy cho công tác thông tin đối ngoại.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Lâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết: “Kết luận số 57 – KL/TW đã yêu cầu cần phải đổi mới nội dung và phương thức thực hiện. Là cơ quan được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ trì quản lý thông tin đối ngoại, chúng tôi nghĩ rằng muốn đổi mới nội dung và phương thức trước hết cần phải đổi mới tư duy trong công tác và hoạt động thông tin đối ngoại. Muốn quản lý được phải nhìn thấy được. Cần phải có tiêu chí, bộ đo về thông tin đối ngoại.
Chẳng hạn, muốn đầu tư cho hệ thống báo chí đối ngoại, hệ thống thông tin ở cửa khẩu, chúng ta cần có tiêu chí để đánh giá. Báo chí đối ngoại, cụm thông tin ở cửa khẩu nào hoạt động có hiệu quả – đo lường bằng định lượng, căn cứ vào đó để có thể đánh giá hiệu quả về đề xuất Nhà nước đầu tư – tiếp tục đầu tư hoặc dừng lại”.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, trước yêu cầu đổi mới ngày càng cao trong lĩnh vực báo chí truyền thông do sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, của trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi phải có những công cụ nền tảng mới thông minh, có tính năng vượt trội trong việc xử lý cung cấp thông tin, có khả năng tiếp cận nhanh chóng đa dạng mọi nhu cầu của độc giả. Theo đó, các hoạt động truyền thông quảng bá cũng cần được đổi mới, ứng dụng công nghệ số, phát huy hình thức truyền thông trên nền tảng số, mạng xã hội.
“Với cách làm này chúng ra dần thay đổi quan điểm “từ đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới sang đưa thế giới đến với Việt Nam”. Truyền thông quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới theo cách thế giới muốn biết về Việt Nam thay vì truyền thông quảng bá những thứ chúng ta muốn nói”, Thứ trưởng Lâm cho hay.
Thứ trưởng Lâm thông tin, hiện nay Bộ TT&TT đang củng cố phát triển và hoàn thiện nền tảng quảng bá hình ảnh quốc gia với tính năng hoàn toàn khác biệt trên nền tảng công nghệ mới. Nền tảng này tổng hợp thông tin từ trên 100 cơ quan báo chí lớn, 63 cổng thông tin của các tỉnh, thành phố và nguồn dữ liệu của nhiều tổ chức, doanh nghiệp… nhằm cập nhật cung cấp thông tin một cách nhanh chóng và đa chiều về Việt Nam.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định những kết quả đã đạt được của công tác thông tin đối ngoại nói chung và Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại nói riêng trong giai đoạn 10 năm qua. Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị các đồng chí lãnh đạo các cơ quan thành viên Ban chỉ đạo ở Trung ương, Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố cần nâng cao hơn nữa vai trò và trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức nghiên cứu, học tập quán triệt, tuyên truyền và triển khai Kết luận số 57 của Bộ Chính trị.
Nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và nhân dân về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Xây dựng các chương trình hành động kế hoạch triển khai Kết luận số 57 một cách hiệu quả, bám sát vào tình hình thực tiễn, đặc điểm tại cơ quan, đơn vị.
Bên cạnh đó, cần lưu ý đến công tác xây dựng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại. “Huy động mọi nguồn lực trên cả 3 phương diện nhân lực, vật lực và tài lực cả trong nước và nước ngoài để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ thông tin đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII mà Đảng đã đề ra tới năm 2030 tầm nhìn 2045”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Phan Hoà Giang