Diễn kịch sử, đặc biệt sử Việt, là điều cực kỳ khó với ngay cả diễn viên chuyên nghiệp. Điều gì khiến Hữu Châu “ép” những học trò chỉ theo học đào tạo vài năm làm công việc khó nhằn này?
Tập cho học trò đọc sách sử
Ở các lớp đào tạo, khi tốt nghiệp, học viên chỉ cần tìm kịch bản có sẵn, tập và thể hiện khả năng trên sân khấu.
Còn với 20 học viên của lớp nâng cao chuyên sâu 1 sân khấu Hồng Vân, với hình thức thi monologue (độc thoại), thầy Hữu Châu bắt các học trò tự đi tìm tài liệu, chọn nhân vật sử Việt mình thích rồi về tự viết kịch bản, tự tập nhân vật trả bài cho thầy.
Bài nào thầy ưng mới cho thi, bài nào không ưng biểu bỏ bắt làm cái khác.
Vậy là các bạn trẻ lại phải mày mò triển khai nhân vật. 20 bài trong đêm thi mang tên “Nghe tôi kể về sử nước tôi” đem đến cho người xem nỗi niềm, tâm sự của rất nhiều nhân vật như Trần Thủ Độ, Phan Thanh Giản, Bùi Thị Xuân, Trần Ích Tắc, Trần Cảnh, Đặng Thị Huệ, Nguyễn Ánh, Nguyễn Thị Anh, An Tư công chúa, Nguyễn Trãi…
Mỗi học viên thể hiện nhân vật trong khoảng 10 phút nhưng đôi khi cũng phải chuẩn bị cả tháng mới làm được. Và người cực nhất vẫn là người “bày” ra chuyện thi cử đầy nhọc nhằn này.
Nhiều ngày liên tục đánh vật trên sàn tập cùng học trò với 20 bài thi, Hữu Châu muốn… banh giọng! Vậy mà không thấy thầy than vãn, chỉ có nụ cười thật hạnh phúc.
Diễn kịch sử Việt khó vô cùng. Diễn ra nhân vật hay chưa thì từ từ trải nghiệm nhưng trước mắt tôi mừng vì mình đã tập cho các em chịu đọc sách về sử Việt, bắt đầu yêu sử Việt. Với người bình thường, yêu sử Việt đã tốt, thì với một nghệ sĩ tương lai, biết yêu và hiểu sử Việt mình, truyền tình yêu đó đến cho khán giả thì càng ý nghĩa hơn.
Hữu Châu
Có ai còn nhớ ta không?
Trong thế hệ các nghệ sĩ kịch kỳ cựu của TP.HCM còn làm nghề đến hôm nay thì Hữu Châu được đánh giá cao với nhiều nhân vật sử Việt như Nguyễn Trãi, Lý Đạo Thành, Võ Công… Mỗi nhân vật của anh đều thể hiện sự sáng tạo mang dấu ấn riêng.
Hữu Châu bày tỏ anh mê đọc sách sử Việt. Khi theo nghề hát anh ngẫm rằng mình chưa làm được gì cho đất nước thì thôi bằng khả năng diễn, anh tìm kiếm những nhân vật lịch sử hay để thể hiện, nhắc nhớ người đời sau về những con người đã làm nên lịch sử của dân tộc.
Vốn là con nhà nòi của gia tộc Thanh Minh – Thanh Nga, Hữu Châu chắt lọc những bộ tịch từ cải lương để đưa sang kịch nói.
Và giờ đây, không chỉ “dụ” học trò mê sử Việt, anh còn muốn truyền lại những bộ tịch, cách thoại, cách thể hiện nhân vật mà anh dày công nghiên cứu trong hành trình làm nghề mấy chục năm qua cho người trẻ.
Nghệ sĩ Hồng Vân xúc động nói: “Tôi xem mà cứ nghẹn ngào khi nhân vật công chúa An Tư thốt lên: Đã hơn 700 năm rồi, có ai còn nhớ ta không?
Sử Việt mình nhiều nhân vật hay lắm. Người Việt phải biết sử Việt. Đừng để họ bị lãng quên. Và hôm nay thầy Châu đã dạy các diễn viên tương lai trách nhiệm phải lưu truyền, lan tỏa tình yêu sử Việt đến khán giả”.