Trong cuộc chạy đua giữa hai siêu cường kinh tế lớn nhất thế giới, có những thời điểm tưởng chừng như Trung Quốc đã sắp bắt kịp Mỹ. Nhưng viễn cảnh đó vẫn đang cách xa thực tế, nhất là trong bối cảnh hiện tại, khi xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Mỹ đang tiếp tục vượt lên so với Trung Quốc.
Trong bài phát biểu tại một sự kiện gây quỹ hồi tháng 6/2023 ở Kentfield, bang California (Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định: “Chúng ta luôn nói về Trung Quốc như một cường quốc, nhưng Trung Quốc đang có những vấn đề đáng kể”.
Ngược lại, theo người đứng đầu Nhà Trắng, nước Mỹ đang ngày càng làm tốt hơn. Cuộc di cư công nghiệp trong những thập niên qua là một tín hiệu cho sự mạnh mẽ của nước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, Trung Quốc đang gặp những vấn đề đáng kể. (Nguồn: Handelsblatt) |
Cán cân quyền lực thay đổi
Cán cân quyền lực trong cuộc đấu tranh giành quyền thống trị kinh tế và chính trị toàn cầu trong thế kỷ XXI đang thay đổi. Trong một thời gian dài, dường như sự trỗi dậy của Trung Quốc để trở thành cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới là không thể ngăn cản.
Nhưng hiện tại, bức tranh không còn quá rõ ràng nữa. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng trung bình 4%/năm cho đến năm 2030, trừ khi Bắc Kinh có những cải cách sâu rộng.
Theo bà Alicia Garcia Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, mặc dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể bắt kịp Mỹ trong 15 năm tới, nhưng sẽ “không vượt trội hơn đáng kể”. Bà tin rằng từ năm 2035, tốc độ tăng trưởng ở cả hai quốc gia sẽ tương tự nhau.
Điều này có nghĩa là “không nền kinh tế nào sẽ vượt trội hơn hẳn nền kinh tế còn lại”. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng, có rất nhiều điều không chắc chắn trong kịch bản dài hạn, trong đó đáng chú ý nhất là tác động bất lợi từ sự già đi nhanh chóng của dân số Trung Quốc.
Chuyên gia Mikko Huotari, người đứng đầu Viện nghiên cứu Trung Quốc Merics của Đức, thậm chí còn cho rằng Trung Quốc “đang trong bước ngoặt của quá trình phát triển kinh tế” và sẽ phải đối mặt với “một thập niên thất bát” sắp tới.
Sự trỗi dậy kinh tế của quốc gia châu Á này đã kéo dài hơn 40 năm qua, và phương Tây đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình này. Nhưng nhiều dự báo cho thấy sự trỗi dậy đó sắp kết thúc.
Cuộc chạy đua kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ không chỉ là cuộc đua gia tăng thịnh vượng ở mỗi nước. Cách mà mỗi quốc gia thực hiện trong các lĩnh vực khác nhau có tác động trực tiếp đến ảnh hưởng địa chính trị của hai siêu cường và hệ tư tưởng mà họ đại diện – và do đó, ảnh hưởng đến trật tự quốc tế.
Trung Quốc càng thành công về kinh tế thì khả năng chính phủ các nước khác đứng về phía Bắc Kinh về mặt chính trị càng lớn. Trung Quốc càng có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến thì nước này càng ít phải cân nhắc quan hệ đối tác với các quốc gia như Mỹ – những nước mà Bắc Kinh hiện vẫn phải phụ thuộc về mặt công nghệ.
Washington luôn muốn kiềm chế sức mạnh của Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc nhận thấy phương Tây đang trên đà xuống dốc và muốn mở rộng ảnh hưởng ra toàn cầu.
Quyền lực chính trị bắt nguồn từ sức mạnh kinh tế và công nghệ. Nhưng cũng cần phải xem xét hiện hai siêu cường đang đứng ở vị trí nào trong các lĩnh vực này; và cán cân quyền lực đã thay đổi như thế nào.
Bắc Kinh cần một “câu chuyện Trung Quốc mới”
Về phía Mỹ, các gói đầu tư trị giá hàng trăm tỷ USD theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), Đạo luật CHIPS và Khoa học và gói đầu tư cơ sở hạ tầng, được tài trợ bằng các khoản nợ mới, đã tạo nên sự bùng nổ thực sự trong lĩnh vực đầu tư cũng như trong ngành công nghiệp.
Theo số liệu của Nhà Trắng, cho đến nay, các công ty tư nhân đã công bố các khoản đầu tư mới với tổng trị giá 503 tỷ USD trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden. So với thời điểm trước đại dịch Covid-19, kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,4%, trong khi tăng trưởng trung bình ở các nước khác trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chỉ đạt 1,3%.
Theo nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s, các chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Biden thực sự đã thành công trong việc nhanh chóng đưa nền kinh tế trở lại tình trạng bình thường sau đại dịch, giúp tăng khả năng cạnh tranh và năng suất trong dài hạn. Tỷ lệ lạm phát cao ở Mỹ cũng đã giảm nhanh hơn dự kiến và hiện chỉ còn khoảng 3%.
Nhưng sự bùng nổ cũng có mặt trái của nó. Tổng nợ của Mỹ hiện đã là 120% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn mức nợ của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp.
Tuy nhiên, nhà kinh tế Zandi cho rằng, các hộ gia đình và công ty tư nhân Mỹ gần đây đã mắc nợ ít hơn, đó là một dấu hiệu tốt. Ông nhận định kinh tế Mỹ sẽ không suy thoái, mà có thể sẽ dần dần tăng trưởng chậm lại sau thời gian bùng nổ mạnh mẽ.
Nền kinh tế toàn cầu nói chung đang suy yếu và nhu cầu về các sản phẩm “Made in China” đang giảm trên toàn thế giới. (Nguồn: Cafe Biz) |
Ngược lại, ở Trung Quốc, sự hưng phấn ban đầu đã tan biến nhanh chóng sau khi các hạn chế nghiêm ngặt trong đại dịch Covid-19 được dỡ bỏ vào đầu tháng 12 năm ngoái. Thay vào đó, những tín hiệu bất thường đang ngày càng lan rộng tại quốc gia châu Á này.
Thay vì tiêu dùng và đầu tư, người dân và các doanh nghiệp lại tích cực tích trữ tiền tiết kiệm. Điều này khiến cho nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm hơn mong đợi sau đại dịch. Ngoài ra, nền kinh tế toàn cầu nói chung đang suy yếu và nhu cầu về các sản phẩm “Made in China” đang giảm trên toàn thế giới.
Nhu cầu ở trong và ngoài nước thấp hơn khiến giá tiêu dùng ở Trung Quốc giảm mạnh. Trong khi các hộ gia đình ở nhiều quốc gia khác đang phải đối mặt với lạm phát cao, thì nỗi lo giảm phát ngày càng gia tăng ở nền kinh tế số 1 châu Á. Khi người tiêu dùng và các công ty cho rằng giá cả sẽ giảm, họ tiếp tục trì hoãn đầu tư, từ đó làm suy yếu tăng trưởng kinh tế.
Theo số liệu chính thức của Bắc Kinh, nền kinh tế Trung Quốc trong quý II năm nay tăng trưởng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, một lý do quan trọng cho mức tăng trưởng tương đối cao này trước hết là do so sánh với thời điểm cùng kỳ năm trước, khi lệnh phong tỏa kéo dài trong đại dịch đã làm tê liệt phần lớn nền kinh tế của đất nước.
So với ba tháng đầu năm 2023, mức tăng trưởng GDP quý II của Trung Quốc chỉ là 0,8%. Sự trở lại mạnh mẽ của Trung Quốc sau đại dịch tạm thời chưa thành hiện thực.
Theo Giáo sư Xu Bin tại Trường kinh doanh quốc tế châu Âu Trung Quốc (CEIBS) ở Thượng Hải, điều quan trọng nhất là giành lại niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp Trung Quốc ở cả trong và ngoài nước. Để làm được điều này, Bắc Kinh cần một “câu chuyện Trung Quốc mới”.
Trong 30 năm đầu của kỷ nguyên cải cách và mở cửa, tốc độ tăng trưởng cao không chỉ tạo động lực cho người Trung Quốc mà còn thu hút các khoản đầu tư nước ngoài rất lớn. Nhưng rõ ràng mô hình tăng trưởng trước đây của nước này đang đạt đến giới hạn của nó, điều này không chỉ qua đại dịch mới được thể hiện.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc phần lớn dựa vào đầu tư của nhà nước và tư nhân. Các khoản đầu tư này chủ yếu chảy vào cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Trong 10 năm qua, lĩnh vực đầu tư là cơ sở cho khoảng 40% sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Cho đến trước cuộc khủng hoảng bất động sản, thị trường bất động sản đã đóng góp tới 1/4 sản lượng kinh tế của Trung Quốc, cả trực tiếp và gián tiếp. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, về lâu dài, điều này là không bền vững.
Do đó, Trung Quốc nói rằng nước này cần tránh xa sự “tăng trưởng hư ảo” để hướng tới “tăng trưởng thực sự”. Giờ đây, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tập trung vào một loại hình đầu tư khác: Ít bê tông hóa hơn, nhiều công nghệ xanh hơn.
Theo nhà kinh tế trưởng Louise Loo từ công ty phân tích Oxford Economics của Anh, Trung Quốc giờ đây đang hướng tới các lĩnh vực xanh và công nghệ nhiều hơn.
Ví dụ, với các khoản hỗ trợ lớn của nhà nước, các nhà sản xuất Trung Quốc đã thành công trong việc vươn lên dẫn đầu thị trường thế giới về công nghệ pin. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem xét liệu ngành công nghiệp này có thể hoạt động có lãi sau khi các khoản hỗ trợ của chính phủ kết thúc hay không.
Bắc Kinh hiện chưa thông qua bất kỳ gói kích thích lớn nào. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc không chỉ sẵn sàng chống chịu khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế, mà còn đủ tự tin rằng quá trình này sẽ thành công.