SGGP
Ở mỗi quốc gia Âu châu, cộng đồng người Việt chỉ chiếm nhóm nhỏ nhưng ghi dấu ấn khá đậm trong việc kinh doanh thương mại, nhất là lĩnh vực bán lẻ.
Chợ Đồng Xuân Berlin (Đức) nổi tiếng về sự phong phú hàng hóa và đa dạng ẩm thực. Ảnh: HÒA NGUYỄN |
Tại các nước Đông Âu, sau khi chuyển sang thị trường tự do, mô hình chợ bán buôn rất thịnh hành với các doanh nhân Việt Nam, nổi bật và rất rầm rộ ở CHLB Nga, các nước cộng hòa của Liên Xô cũ hay tại nước Đức. Với các nước như Romania, Hungaria thì doanh nhân Việt Nam thuê kiốt, buôn bán dựa vào các khu chợ do người Hoa mở.
Trước kia, các khu chợ bán buôn, hay còn gọi là khu giao hàng, chỉ phục vụ khách mua sỉ. Mặt hàng kinh doanh chủ yếu quần áo, đồ gia dụng, đồ trang trí nội thất và sân vườn, thực phẩm. Chủ các cửa hàng bán lẻ ở các khu xa thì lái xe đến chọn hàng. Mọi thao tác thật nhanh gọn, làm sao trong một buổi sáng lấy đủ hàng và kịp trở về trong ngày.
Trước đây, cô Phạm Lan (từng có 3 cửa hàng quần áo ở chợ Rồng Đỏ, thủ đô Bucharest, Romania) phải dậy từ 2 giờ 30 sáng, chuẩn bị đồ ăn sáng cho gia đình và mang theo ăn trên xe để đến chợ trước 4 giờ sáng, bởi vì chợ bán buôn thường ở ngoại ô thành phố. Tầm 6-8 giờ sáng là cao điểm ở các khu chợ thời điểm chục năm trước, cảnh mua bán, đi lại rất tấp nập. Ngày nay, các phương thức kinh doanh bán lẻ đã thay đổi nhiều vì thương mại điện tử quá phát triển.
Mô hình thương mại truyền thống của chợ bán buôn đã quá lạc hậu, dẫn đến cảnh tiêu điều vắng vẻ. Các chủ kiốt cũng chuyển hướng, phục vụ cả khách lẻ và nhiều người nhạy bén, bán trực tuyến, khách không cần tới chợ. Nhiều chợ thành chợ ẩm thực Việt như Đồng Xuân tại Berlin, Bến Thành ở Leipzig, Sapa ở Prague. Không chỉ người Việt đi mua hàng tới ăn trưa mà dân bản địa cũng tìm đến thưởng thức các món thuần Việt. Những người muốn tự nấu tại nhà cũng đến đây mua nguyên liệu nhập khẩu từ Việt Nam, các nước châu Á khác. Người bản xứ gọi chung là các chợ châu Á.
Tùy vào văn hóa tiêu dùng của người bản địa mà các doanh nhân gốc Việt lựa chiều chuyển hướng kinh doanh. Tại Đức, có thể thấy nhà hàng và quán ăn nhanh bán món Việt nhiều và dày đặc ở các thành phố lớn, phủ khắp liên bang. Món Việt được ưa chuộng vì nguyên liệu tươi, vị thanh, giá phải chăng và nụ cười niềm nở hiếu khách của người phục vụ.
Ở CH Czech lại phổ biến kiểu kinh doanh tạp hóa, không chỉ ở thủ đô Prague mà chúng tôi còn thấy ở khắp các thành phố đông khách du lịch, nghỉ dưỡng như Cesky Crumlov, Karlovy Vary… Anh Hiếu Nguyễn, chủ tiệm tạp hóa trên đường đến Cung Vua thủ đô Prague cho biết, với vốn hàng khoảng 1 tỷ đồng và diện tích cửa hàng khoảng 70m2 , giá thuê chừng 60 triệu đồng/ tháng, vợ chồng anh sống khỏe.
Tại Pháp, từ lâu người ta đã chấp nhận và hòa nhập văn hóa của các nước thuộc địa cũ trong đời sống thường nhật. Người gốc Việt mang tủ kính bán thức ăn chín chế biến sẵn đến “đặt” ở rất nhiều góc phố trên mọi nẻo đường nước Pháp chứ không chỉ ở thủ đô Paris. Bạn có thể tới tiệm Việt mua bò kho, bò viên, thịt kho tàu, chả giò, nguyên liệu lẩu … để về nhà hâm nóng, tự nấu. Nếu muốn ăn nhanh tại tiệm cũng có bàn đứng phục vụ chừng 5 khách một lúc.
Cho dù thời thế có thay đổi ra sao, săn hàng online hay thương mại điện tử, thì kiểu kinh doanh chợ truyền thống vẫn được người Việt xa xứ ưa chuộng, tìm đến như một nét văn hóa, gợi nhớ nguồn cội, quê hương. Hàng ngàn người Việt vẫn bám chợ làm ăn và lan tỏa hương vị Việt khắp châu Âu.