Hãy thử hình dung, khi bình minh vừa ló dạng, bác nông dân nhẹ nhàng hứng những giọt sương đêm còn đượm, thư thái nhóm một lò lửa nồng ấm, bình tâm pha ấm trà xanh thấm đẫm vị phong sương, ông không hiểu hết văn hóa trà trong Trà kinh của Lục Vũ, cũng không thể hiểu sự huyền diệu, ẩn tàng trong các loại trà, cũng chẳng hiểu được nhật nguyệt trong lòng ấm.
Ông cứ ung dung ngồi trước hiên nhà ngắm cảnh trời mây phiêu lãng, cứ tự tại phóng tầm nhìn xa vào đồng lúa bát ngát mênh mông, cứ khề khà với chú trâu hiền lành chất phác cạnh bên, như một kẻ bằng hữu tri âm hàn huyên đối ẩm, phút chốc lại nghe tiếng chim reo vui mừng ngày mới, rồi bắt chợt gặp một cành hoa đang nở thắm khoe duyên. Lặng lẽ nhấp một ngụm trà chất chứa mùi vị của thanh tao, thoát tục, chẳng vì phong nhã hay cao sang, đài các, chỉ để thanh tâm, hướng thiện.
Không gian yên tĩnh, thơ mộng, trống rỗng đó, dường như có sự hòa nhập thật sự giữa con người với mọi giới, tất cả như cùng hòa một nhịp với vũ trụ bao la rộng lớn này. Lúc bấy giờ, thưởng trà đã trở thành vầng mây hoa huyền ảo. Hoa không còn là hoa nữa, mây cũng chẳng phải là mây. Trà không còn là trà, đạo không phải là đạo…
Chúng tan vào nhau, tan vào cuộc sống, như chính chân lý, ta không thấy rõ, nhưng nó vẫn có, mặc dù ta không nhìn thấy… Bất chợt, khiến ta nhớ đến bài thơ của thi hào Basho: “Xưa nay trà vốn đạo/ Hễ khát là uống thôi/ Nếu nghĩ trà với Đạo/ Thì đầu chồng thêm đầu”.
Hãy để cho cuộc sống tự hiển hiện qua trái tim thuần khiết, cảm nhận sự đồng điệu với đất trời, yêu thương mọi người, quý trọng sinh linh trong từng khoảnh khắc khi thưởng thức trà Việt mến yêu.
(Bài dự thi cuộc thi “Cảm tưởng về cà phê – trà Việt” thuộc chương trình “Tôn vinh cà phê – trà Việt” lần 2, năm 2024 do Báo Người Lao Động tổ chức)