Dừa dứa thích hợp với loại đất tơi xốp, nhiều chất hữu cơ, độ pH từ 5 trở lên, thuộc nhóm dừa lùn, trồng sau 3 năm bắt đầu thu hoạch. Dừa trưởng thành ra trái khoảng 15 buồng/năm (200 – 220 trái/năm). Kể cả bộ rễ và lá cũng có mùi thơm lá dứa. Hiệu quả kinh tế ước tính 20 năm.
Giữa trưa hè Sài Gòn nóng bức, quả dừa dứa làm lòng người thanh thản, mát dịu, có tác dụng giải độc, giảm mệt nhọc, trừ phong nhiệt, chống ô xy hóa, khiến đẹp da, đẹp tóc.
Tuy nhiên, dừa vốn mang tính âm hàn, không có lợi cho người huyết áp thấp. Vả lại, dừa ngon uống mãi thành ra lạt vị. Tôi quyết định “chơi sang” một lần, bổ dừa dứa ra lấy nước làm nguyên liệu thêm thắt hương vị đậm đà cho những món ăn của bếp nhà trong mùa giãn cách.
Nói “chơi sang” là bởi dừa dứa có giá mắc hơn và ít mọng nước như dừa xiêm bình thường trên thị trường nên hiếm khi người ta dùng dừa dứa nấu ăn. Nhưng mùa dịch không có nhiều lựa chọn, của quê mấy khi sẵn có, ngoài nấu món mặn, tôi còn đem dừa dứa đi nấu chè, lấy được hương thơm lá dứa. Cơm dừa dẻo ngon bỏ vào tủ lạnh ăn dần, nếu thích thì xay thành sinh tố dừa để uống.
Trái dừa dứa nói riêng và các loại dừa nói chung thường gắn với những câu chuyện thú vị đậm chất nông thôn miền Tây. Đó là kỹ thuật gọt dừa, leo cây hái dừa, chặt dừa ba phát bạt được tới gáo, cách nhận biết dừa “đúng nạo”, dừa bị “trăng ăn”…
Ngoài sự ngon ngọt đặc trưng của trái dừa dứa, dân miền Tây còn trồng dừa sáp ở Trà Vinh (có giá tại vườn 50.000 – 60.000 đồng/trái), nhân giống dừa sữa (loại dừa có nước trắng đục như sữa) ở huyện Chợ Lách (Bến Tre) hoặc chuyền tay nhau trái dừa xiêm xanh, gáo bầu, được đồn rằng độ ngọt ngon số một.