Số lượng du khách Hồi giáo đến Nhật Bản tăng nhanh, song không có nhiều nhà hàng cung cấp thực phẩm Halal…
Nhà hàng Honolu Grande Kyoto tại Nhật Bản đang trở thành điểm đến yêu thích của du khách Hồi giáo nhờ phục vụ các món ăn đạt chuẩn Halal. (Nguồn: Asia News Network) |
Nhiều du khách Hồi giáo đang tìm đến nhà hàng Honolu Grande Kyoto mới khai trương tại khu vực Shijo-Kawaramachi, Kyoto. Nhà hàng chuyên phục vụ ẩm thực Halal trở thành điểm đến yêu thích, sau khi các món ăn đạt chuẩn Halal như ramen, cơm bò Sukiyaki và thịt bò chiên xuất hiện trên các bài đăng mạng xã hội. Một món mì ramen chuẩn Halal tại nhà hàng có giá hơn 4.000 Yen (khoảng 650.000 đồng) nhưng vẫn là sự lựa chọn của nhiều thực khách.
Nhà hàng do công ty Assetfrontier quản lý, đây là đơn vị điều hành các nhà hàng Halal có trụ sở tại Tokyo. Trong các nhà hàng này, nước dùng cho món mì ramen được chế biến từ những nguyên liệu quen thuộc như tảo biển, nấm shiitake và cá ngừ khô. Xì dầu, gia vị Mirin hay thịt bò nhập khẩu nước ngoài đều đạt chuẩn Halal.
Ông Satoshi Shimasue, Giám đốc điều hành công ty Assetfrontier bày tỏ “hy vọng nhà hàng này sẽ cho mọi người thấy rằng Nhật Bản luôn chào đón người Hồi giáo”.
Chia sẻ niềm vui khi thưởng thức thịt bò Wagyu Nhật Bản trong chuyến du lịch cùng gia đình từ Singapore, ông Mohamad Fitri Bin Hashim, 58 tuổi mong muốn sẽ có nhiều nhà hàng hơn dành cho người Hồi giáo.
“Halal” có nghĩa là “cho phép” trong tiếng Arab. Thực phẩm Halal không chứa thịt lợn hoặc đồ uống có cồn, ngay cả thịt gà và thịt bò cũng phải được chế biến theo các quy tắc nhất định. Nhiều món ăn Nhật Bản không phù hợp tiêu chuẩn Halal vì nước tương và rượu nấu ăn Mirin thường chứa cồn.
Theo Tổ chức Du lịch quốc gia Nhật Bản, năm ngoái, xứ sở hoa anh đào đón số lượng du khách kỷ lục là 1 triệu người từ các quốc gia Hồi giáo. Hiệp hội Du lịch thành phố Kyoto ước tính khoảng 330.000 du khách từ các nước Hồi giáo ở Đông Nam Á và Trung Đông đã lưu trú tại thành phố từ tháng 1-7/2024.
Mặc dù số lượng du khách Hồi giáo đến Nhật Bản tăng nhanh, nhưng chỉ có ít nhà hàng cung cấp thực phẩm Halal. Theo Hội đồng Hồi giáo và Halal của Kyoto, thành phố chỉ có khoảng 20 nhà hàng đạt chứng nhận Halal. Nhiều nhà hàng trong số đó đã đóng cửa sau đại dịch Covid-19.
Hội đồng cho biết, quản lý thực phẩm Halal không dễ dàng, vì chi phí thu mua nguyên liệu rất cao và các nhà hàng phải tuân thủ một quy trình nấu ăn riêng biệt, trong khi không gian bếp lại hạn chế.
Nguồn: https://baoquocte.vn/huong-vi-halal-hap-dan-du-khach-hoi-giao-den-xu-so-hoa-anh-da-o-289241.html