Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước như EU là vô cùng quý báu đối với tiến trình hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của Việt Nam.
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam – EU 2023 diễn ra tại Hà Nội. |
Ngày 9-10/11, Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) phối hợp với ĐH Kinh tế Cracow (Ba Lan), Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO), Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại EU (VBAE) tổ chức Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt Nam – EU 2023 (VEF2023). Đây là nơi tập hợp các nhà hoạch định chính sách, học giả, doanh nhân Việt Nam và EU để cùng trao đổi, thảo luận cách thức thúc đẩy mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai khu vực.
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 33 năm hình thành và phát triển mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và EU (28/11/1990-28/11/2023), theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Việt Nam – EU: Quan hệ hợp tác hướng đến tương lai thịnh vượng, bền vững và hài hòa
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam Claudia Anselmi cho biết, bối cảnh toàn cầu đã thay đổi đáng kể trong vài năm qua, chủ yếu là do các cuộc đối đầu về địa chính trị và kinh tế. Sự cạnh tranh kinh tế và chiến lược giữa các nước lớn, các cuộc xung đột là nguyên nhân chính gây bất ổn, dẫn đến sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phó Chủ tịch EuroCham Việt Nam Claudia Anselmi phát biểu tại diễn đàn. |
Tuy nhiên, Việt Nam nổi lên như một ngọn hải đăng về khả năng phục hồi và cơ hội. Lợi thế chiến lược về vị trí địa lý, sự ổn định về kinh tế, lực lượng lao động trẻ và các chính sách năng động của Việt Nam đã hội tụ để đưa Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu của các công ty châu Âu. Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và khả năng phục hồi to lớn của Việt Nam trong đại dịch đã nâng cao uy tín của Việt Nam như một cường quốc về chuỗi cung ứng.
Dù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và đứt gãy chuỗi cung ứng, quan hệ thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và EU vẫn phục hồi và tăng trưởng tốt. Sự bổ trợ và gắn kết lợi ích giữa hai bên ngày càng chặt chẽ.
Minh chứng cho xu hướng này thể hiện rõ qua lượng đầu tư ngày càng tăng từ các doanh nghiệp EU tại Việt Nam. Nhiều nhà phân phối bán lẻ quốc tế nhằm đa dạng hóa và củng cố chuỗi cung ứng của họ đã xác định Việt Nam là trung tâm chuỗi cung ứng toàn cầu quan trọng.
Hiện EU là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc), là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 5. Trong khi đó, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của EU tại ASEAN (kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 đạt 62,4 tỷ USD). EU cũng là nhà đầu tư lớn thứ 6 tại Việt Nam với 2.535 dự án đang hoạt động, tổng vốn đăng ký hơn 29 tỷ USD tính đến tháng 9/2023.
Thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững, kinh tế xanh thông qua chuyển đổi xanh, chuyển đổi số
Trong những năm gần đây, nhận thức về sự cần thiết phải đối phó với tác động môi trường và xã hội của sự phát triển kinh tế, đặc biệt là ở châu Á càng được nâng cao. Điều này đã dẫn đến sự tập trung ngày càng lớn đối với việc phát triển bền vững trong thương mại và đầu tư, cả châu Âu và châu Á đều cố gắng thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững thông qua việc áp dụng công nghệ xanh và thực hiện các chính sách thân thiện với môi trường.
EU coi thích ứng với biến đổi khí hậu là một trong 3 trọng tâm của Chương trình hợp tác với Việt Nam trong giai đoạn 2021-2027. Việt Nam và EU cũng đã triển khai nhiều dự án hợp tác trong các lĩnh vực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, xây dựng và hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực, chuyển đổi năng lượng cân bằng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) phát biểu tại diễn đàn |
PGS.TS Nguyễn Trúc Lê, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) chia sẻ, trong hơn hai thập kỉ vừa qua, EU đã khẳng định vị thế là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong việc ủng hộ, thúc đẩy và áp dụng các sáng kiến chính sách liên quan đến phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.
EU luôn quan tâm tài trợ cho các hoạt động, dự án phát triển bền vững tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu. Những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước như EU là vô cùng quý báu đối với tiến trình hiện thực hóa mục tiêu trên của Việt Nam.
Nhìn chung, mối quan hệ giữa châu Âu và châu Á và mối quan hệ giữa Việt Nam & EU là một mối quan hệ được định hình bởi một hàng loạt các yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường. Sự gia tăng của toàn cầu hóa, phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hình mối quan hệ này, khi cả hai khu vực đều cố gắng cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và chiến lược của họ trong khi đồng thời đối phó với những thách thức toàn cầu quan trọng. Khi thế giới tiếp tục thay đổi và xuất hiện những thách thức mới, châu Âu và châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ cần phải tiếp tục hợp tác để đối phó với những thách thức này và thúc đẩy sự phát triển kinh tế và phát triển bền vững.
Các phiên thảo luận sôi nổi
Diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể và 3 phiên thảo luận chuyên đề. Tại phiên toàn thể, các diễn giả mang đến ba tham luận chính đề cập đến các khía cạnh khác nhau xoay quanh mối quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và EU. Ba phiên họp chuyên đề tập trung vào 3 nội dung: Thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam-EU; chính sách nền kinh tế xanh và nền kinh tế carbon thấp tại các nước Việt Nam và EU; hợp tác giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các nước Việt Nam và EU.
Một trong ba phiên thảo luận bàn tròn tại diễn đàn. |
Phiên thảo luận bàn tròn đã diễn ra sôi nổi, có chiều sâu về các vấn đề mà cộng đồng học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp Việt Nam và EU đều quan tâm như các điểm nghẽn cần khai thông để Việt Nam đón nhận và hấp thụ được dòng vốn FDI xanh từ EU, để hỗ trợ các SMEs hai bên kết nối được vào các chuỗi giá trị toàn cầu, hay các giải pháp để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt hơn các ưu đãi thuế từ EVFTA…
Trong ngày thứ 2 của Diễn đàn, ba phiên họp chuyên đề tập trung vào 3 nội dung: Thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt Nam – EU; chính sách nền kinh tế xanh và nền kinh tế carbon thấp tại các nước Việt Nam và EU và hợp tác giáo dục, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các nước Việt Nam và EU.
Đặc biệt, Ban tổ chức ra mắt cuốn sách chuyên khảo với chủ đề: “Khía cạnh Kinh tế-Chính trị của Quan hệ Âu-Á” do các tác giả PGS.TS. Nguyễn Trúc Lê, PGS.TS. Nguyễn An Thịnh (Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN), PGS.TS. Ewa Ślęzak-Belowska và PGS.TS. Marcin Salamaga (Trường Đại học Kinh tế Krakow, Ba Lan) là chủ biên. Sách được ấn hành bởi nhà xuất bản quốc tế uy tín Springer Singapore.
Lễ ra mắt cuốn sách chuyên khảo với chủ đề: “Khía cạnh Kinh tế-Chính trị của Quan hệ Âu-Á”. |
Đây là một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và doanh nghiệp Việt Nam và các nước EU trình bày và thảo luận những vấn đề về hợp tác phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, thích ứng với khí hậu và phát triển bền vững giữa Việt Nam và EU trong bối cảnh hiện nay.
Chính vì vậy, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – EU 2023 là nơi chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của các chuyên gia, doanh nghiệp EU về phát triển xanh và bền vững, những vấn đề, cơ hội và thách thức mà Việt Nam đang gặp phải. Từ đó giúp tăng cường hơn nữa sự hiểu biết, mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục giữa EU và Việt Nam, hướng tới việc hoàn thiện một nền kinh tế xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Diễn đàn này cũng là cơ hội mở ra những hợp tác mới trong nghiên cứu giữa các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia với các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp, tổ chức phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và EU