Ngày 4/12, tọa đàm Khoa học vì cuộc sống khởi đầu chuỗi sự kiện Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra tại Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia của nhiều tên tuổi lớn trên thế giới trong các lĩnh vực trọng yếu như khoa học vật liệu, trí tuệ nhân tạo (AI), ô nhiễm không khí và nghiên cứu môi trường…
Việc nghiên cứu và ứng dụng vật liệu bền vững trở thành một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm mang tới những góc nhìn và trao đổi khoa học chất lượng cao về tương lai của vật liệu bền vững.
Thay đổi công nghệ và hành vi để giải quyết vấn đề
Mở đầu bài nói chuyện, GS Seth Marder – Giám đốc Viện Năng lượng Tái tạo và bền vững (ĐH Colorado Boulder) vui mừng chia sẻ về chỉ số cho thấy tư duy đang được thay đổi khi nhìn thấy những chai nước bằng thủy tinh trong phòng hội nghị. Ông nhìn nhận nhựa là thứ vật liệu kỳ diệu và xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Nhưng thách thức là nó làm từ nguyên liệu hóa thạch – những nguồn tài nguyên không phải lúc vào cũng vô hạn và để lại hậu quả sau sử dụng. Nếu sử dụng với nhu cầu hiện tại thì không bền vững.
GS Seth Marder cho rằng cần phân loại polyme có hiệu suất cao để phục vụ mục đích chuyển đổi sang năng lượng sạch. Để làm được điều đó cần tận dụng tối đa tính tuần hoàn làm tiêu chí thiết kế, có thể cải thiện đáng kể thiết kế polyme để phục vụ tính tuần hoàn mà vẫn bảo toàn hiệu suất trong nhiều trường hợp.
Chia sẻ tại tọa đàm, GS Martin Andrew Green – Giám đốc sáng lập Trung tâm Quang điện Tiên tiến tại ĐH New South Wales (Úc), chủ nhân giải thưởng Chính VinFuture 2023 nhìn nhận, vật liệu bền vững là nền tảng cho các công nghệ năng lượng tái tạo, đặc biệt là pin mặt trời. Ông cho rằng việc phát triển vật liệu mới cho pin mặt trời là yếu tố then chốt để thúc đẩy ứng dụng năng lượng mặt trời trên quy mô lớn, góp phần giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hướng tới một tương lai năng lượng sạch.
“Cuộc cách mạng năng lượng thứ ba có thể là một cuộc cách mạng năng lượng mặt trời, với những vật liệu mới có khả năng chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng với hiệu suất cao và chi phí thấp chưa từng có” – GS Martin Andrew Green khẳng định.
Là chuyên gia hàng đầu về năng lượng, GS Freitag (ĐH Newcastle, Anh) cho biết, vật liệu bền vững không chỉ đơn thuần là vật liệu có thể tái chế hay phân hủy sinh học. Bà nhấn mạnh việc phải vượt ra khỏi những định nghĩa truyền thống và tiếp cận vấn đề một cách toàn diện hơn. Đó là vật liệu bền vững cần được thiết kế với tư duy “bền vững là trên hết”, đảm bảo hiệu quả cao trong suốt vòng đời, thân thiện với môi trường và có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện sử dụng khác nhau.
Tôn vinh những nghiên cứu có khả năng ứng dụng thực tiễn
Mục tiêu Net Zero (phát thải ròng bằng 0) của Việt Nam và các nước trước năm 2050 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu đang đặt ra yêu cầu bức thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm và cạn kiệt tài nguyên đang đe dọa sự phát triển bền vững của nhân loại.
Khẳng định niềm tin vào hợp tác quốc tế chính là điều kiện tiên quyết để giải quyết những thách thức toàn cầu và thúc đẩy tiến bộ khoa học công nghệ, GS Freitag ấn tượng với VinFuture là sự tập trung vào những đột phá khoa học có khả năng ứng dụng thực tiễn, giải quyết các vấn đề của thế giới thực.
Tuần lễ Khoa học Công nghệ và Lễ trao giải VinFuture 2024 diễn ra từ ngày 4 – 7/12 với nhiều sự kiện ý nghĩa nhằm thông qua cánh cửa khoa học công nghệ, nhân loại bứt phá kiên cường qua những khó khăn để xây dựng cuộc sống thịnh vượng hơn. Song song với các tọa đàm khoa học, chuỗi đối thoại Khám phá tương lai VinFuture diễn ra tại các viện nghiên cứu, trường đại học sẽ là cầu nối để kết nối các nhà khoa học hàng đầu thế giới với các cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp tại Việt Nam. Những đối thoại sẽ tập trung và việc tìm kiếm giải pháp cho các thách thức toàn cầu và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu như phương pháp tiếp cận mới nhằm kiểm soát và điều chỉnh tăng huyết áp, kỹ thuật canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, những đổi mới trong năng lượng mặt trời và kỹ thuật vật liệu tiên tiến…
Dự kiến tối 6/12, Lễ trao giải VinFuture 2024 sẽ diễn ra tại Nhà hát Hồ Gươm với 4 hạng mục giải thưởng. Trong đó Giải thưởng Chính – trị giá 3 triệu USD – là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới; và 3 Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn USD dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới. Thông tin từ Hội đồng giải thưởng, các nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… được dự đoán là những ứng cử viên “nặng ký” cho Giải thưởng VinFuture 2024.
Nguồn: https://daidoanket.vn/huong-toi-vat-lieu-ben-vung-10295891.html