Trên địa bàn tỉnh có nhiều vùng đất thích hợp cho cây điều sinh trưởng và phát triển. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã có nhiều giải pháp nhằm mở rộng quy mô diện tích cũng như khuyến khích, thúc đẩy xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững cây điều.
Điều là cây công nghiệp lâu năm, được trồng tập trung chủ yếu ở các huyện: Bác Ái, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Thuận Nam, với diện tích hơn 4.748 ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch 3.487 ha, năng suất bình quân đạt 3,6 tạ/ha/năm, sản lượng thu hoạch đạt trên 1.255 tấn. Trong những năm gần đây, ngoài đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp thâm canh để tăng năng suất, ngành chức năng, chính quyền địa phương còn thực hiện các chính sách hỗ trợ, thông qua việc chuyển giao giống đều mới, tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật canh tác, giúp nông dân yên tâm sản xuất, từng bước mở rộng diện tích.
Thuận Bắc là địa phương có diện tích trồng cây điều lớn, với 1.190 ha, vùng trồng phân bố chủ yếu trên trên đất dốc, đất rẫy. Nếu như trước đây, bà con canh tác theo phương thức truyền thống, năng suất thấp, thì nay đã chủ động chuyển hướng, chú trọng cải tạo vườn, đưa các giống mới, chống chịu tốt với sâu bệnh vào sản xuất như: Giống điều AB 05-08, BP-102, PN1… đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương. Đến thăm vườn điều rộng hơn 2,5 ha của anh Chamaléa Vân, ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải, anh Vân chia sẻ: Tôi trồng đều khoảng 20 năm nay, do trước đây không nắm kỹ thuật chăm sóc, nên mỗi vụ thu hoạch đạt năng suất thấp, từ khi được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăm sóc mới, thay thế giống cũ kém chất lượng, nhờ đó 4 năm trở lại đây cây điều cho năng suất khá, được thương lái thu mua với giá dao động từ 25.000-30.000 đồng kg, thu lãi mỗi vụ hơn 60 triệu đồng, đời sống được cải thiện đáng kể.
Nông dân xã Lợi Hải (Thuận Bắc) chăm sóc cây điều.
Để nâng giá trị của cây điều, tỉnh có nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp (DN) tham gia phát triển sản xuất và chế biến sản phẩm điều. Trong đó, ưu tiên các DN đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu và ký kết hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm, gắn với đào tạo kỹ thuật cho nông dân trong quá trình sản xuất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có một số công ty như: Công ty TNHH Long Sơn BLB, Công ty Cổ phần Xuất khẩu nông sản Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Chapi Ninh Thuận tham gia thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ ổn định sản phẩm điều, tạo thu nhập ổn định cho người dân. Ông Nguyễn Thái Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Chapi Ninh Thuận, cho biết: Được sự quan tâm hỗ trợ của các sở, ban, ngành, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty có cơ hội đầu tư liên kết với nông dân tại các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc hình thành quy mô sản xuất hơn 4.000 ha điều, toàn bộ sản phẩm hạt điều khô của bà con được chúng tôi thu mua từ 30.000-32.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 1.000-2.000 đồng/kg. Mới đây, công ty vừa xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dựng nhà máy sản xuất hạt điều hữu cơ, công suất 15 tấn/ngày, nhằm đáp ứng nguyên liệu chế biến cho nhà máy. Công ty dự kiến sẽ mở rộng diện tích liên kết sản xuất với người dân trong những năm tới.
Đồng chí Trương Khắc Trí, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để đạt mục tiêu đến năm 2030 toàn tỉnh phát triển ổn định 4.900 ha điều, ngành Nông nghiệp và các địa phương đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân trẻ hóa vườn điều bằng giống mới, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, hỗ trợ các DN chế biến sâu hạt điều, gắn kết chặt chẽ giữa nông dân với DN trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Hồng Lâm