Ảnh minh họa: Internet
Em ơi bây giờ gặp lại
Duyên may ai dễ hững hờ
Góp nhặt bao nhiêu thương nhớ
Lỡ làng ta dệt tình thơ!
Chuyện tình ngày xưa như cơn gió thoảng qua. Ngoái đầu nhìn lại tuổi ngọc ngà đã xa… Khi ấy, tôi tròn mười bảy và Thảo Linh mười sáu. Chung trường, chung lớp nhưng khác khối nên tôi học buổi sáng, em học buổi chiều. Em học giỏi, xinh đẹp, hát hay còn tôi mặt mũi dưới trung bình, sức học tàng tàng nên dẫu lòng bồi hồi thương nhớ mất ăn mất ngủ, tôi cũng chỉ dám đứng xa trộm nhìn em qua khung cửa lớp hay ngoài sân trường. Chắc tương tư tạo ra từ trường hay tình yêu nồng cháy trong tim tôi tràn qua ánh mắt nên hình như em biết tôi thương em và hình như em cũng có để ý đến tôi.
Đêm liên hoan văn nghệ tiễn học sinh cuối cấp ra trường, tôi đứng như ngây dại nhìn em xinh đẹp trên sân khấu cất tiếng hát ngọt ngào… từng câu, từng lời như cùng tôi tình tự. “Tình yêu như sóng xô bờ, sóng lại ngược ra khơi… sao sóng vô tình, sóng lại ngược ra khơi…”.
Tôi hồi hộp đến run rẩy đứng đợi em phía sau sân khấu, lòng dặn lòng nhất định phải tỏ tình cùng em đêm nay. Em bước xuống sau cánh gà, đi về phía lớp học. Tôi đứng chặn ngang lối đi đăm đắm nhìn em. Em cũng bất động nhìn tôi, đôi mắt đen như to tròn hơn trong ánh đèn chập chờn và khóe môi hồng có chiếc răng khểnh nũng nịu khe khẽ run… Tôi siết chặt nắm tay, ngập ngừng… rồi quay đi như trốn chạy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu nổi vì sao lúc ấy tôi lại làm như thế. Tôi tự giận, tự ghét và nhiếc móc mình mãi không thôi. Yêu là đặc quyền của người can đảm mà tôi là kẻ hèn nhát.
Rồi ân hận, tiếc nuối… rồi ray rứt nhớ nhung… rồi mịt mờ xa cách. Tôi vào bộ đội, giải ngũ rồi cưới vợ do cha mẹ dạm hỏi. Thảo Linh đã theo chồng về thị xã sau khi ra trường chưa đầy năm. Vợ tôi hiền lành, thương chồng nhưng kín kẽ như bao phụ nữ quê khác. Tôi có yêu vợ không? Tình yêu đến sau hôn nhân – điều đó đúng hay sai tôi không biết. Tôi thương tính chịu thương, chịu khó, nhẫn nhịn của vợ và tự nhủ lòng hai đứa sẽ nắm tay cùng đi hết quãng đời còn lại. Rồi hai đứa con ra đời, rồi cơm áo gạo tiền với những lo toan vụn vặt của cuộc sống hàng ngày… Kỷ niệm ngày xưa đọng lại trong tôi là khóe môi run run có chiếc răng khểnh nũng nịu, đôi mắt đen to tròn với ánh nhìn đợi chờ và câu hát em ngân nga đêm liên hoan tốt nghiệp. “Em vẫn biết một điều mong manh nhất… là tình yêu… là tình yêu ngát hương… vẫn thấy bên vai mình một tình yêu thủy chung…”.
Hơn hai mươi năm thoáng qua như giấc mộng. Vợ tôi qua đời vì bạo bệnh, hai đứa con đi học nội trú trong trường nên tôi xin vào làm bảo vệ trong một xí nghiệp ở vùng ven thị xã.
Một chiều dừng chân trú mưa bên hiên ngôi nhà nhỏ có giàn hoa cát đằng giăng tím, tôi chợt nghe lòng trĩu nặng. Nhìn màn trời trắng xóa, gió thốc cây nghiêng ngả, ngắm bong bóng nước xoay tròn rồi tan vỡ trôi xa, tôi đứng lặng nghe nỗi cô đơn, lạnh lẽo nhè nhẹ len lỏi qua từng ngóc ngách tâm hồn.
“Em vẫn biết một điều mong manh nhất, là tình yêu… là tình yêu ngát hương…” . Tiếng hát ai đó phía nhà trong hòa theo nhịp máy may lạc lõng giữa giàn âm thanh mưa gió. Tôi đã nghe bài hát này nhiều lần qua nhiều giọng hát luyến láy ngân nga khác nhau nhưng sao lần này… Mạch đập trái tim tôi chợt lỗi đi một nhịp và nỗi xuyến xao ngày cũ bỗng tràn về với từng kỷ niệm thuở mới vào yêu. Tiếng hát ngọt ngào như lời tình tự nhắn gửi cho tôi đêm loang màu năm ấy. Tôi gõ cửa vờ hỏi thăm tìm người quen và người ra mở cửa đúng là em. Đã hơn hai mươi năm trôi qua chưa lần gặp lại nhưng đôi mắt đẹp hằn nét ưu phiền, chiếc răng khểnh nũng nịu nơi khóe môi khẽ mím làm sao tôi quên được. Em không nhận ra tôi nên thản nhiên xem tôi như người khách qua đường xa lạ. Em nhấc chiếc ghế đặt ngoài hiên cửa cho tôi ngồi rồi vào nhà lặng lẽ cúi xuống may vá. Thật lâu sau khi mưa tạnh, tôi đem chiếc ghế để lại chỗ cũ trong nhà. Nghe tiếng động, em ngước mặt nhìn về phía tôi và giật mình thảng thốt khi nghe tôi nói:
– Tôi đi nhé. Cảm ơn Thảo Linh!
Em mở to mắt nhìn tôi, nghiêng đầu nhíu mày lục tìm trong trí nhớ:
– Anh là ai, có quen không mà biết tên tôi?
Tôi nhìn sâu vào mắt em, lòng nhói đau như có thứ gì đó đang vỡ vụn. Cuộc tình đã đi qua. Tôi thành vật kỷ niệm. Em cất vào dĩ vãng. Chẳng bao giờ lấy ra. Nhưng thực ra giữa tôi và em chưa hẳn là một cuộc tình. Tôi đưa tay vuốt mái tóc ướt chớm bạc, gượng gạo cười rồi quay đi như trốn chạy. Bởi lẽ nếu đứng lại đó, tôi không biết phải nói gì, làm gì. Tôi giận tôi quá đi mất, đã hơn bốn mươi tuổi mà chẳng khác gì thằng học trò mười bảy vụng dại ngày xưa.
Quãng thời gian sau đó, tôi cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ, quên quên nhớ nhớ. Mối tình đầu trộm nhớ thầm thương ngỡ đã tan biến theo thời gian chợt hiển hiện dâng tràn. Tôi tự lấy cớ đi qua ngôi nhà đó nhiều lần nhưng không dám ghé lại, tự tặc lưỡi an ủi mình gửi chút tình ngây thơ ngày nào theo gió cuốn, mây bay. Thầm nhủ như thế nhưng mỗi khi đi ngang nhà em, mặt hướng về phía trước nhưng đuôi khóe mắt vướng vào khung cửa phủ đầy hoa cát đằng màu tím. Một tuần lễ trôi qua, lần nào tôi đi ngang cũng thấy cửa nhà em đóng kín, đến nỗi tôi mơ hồ tự hỏi có thực mình đã gặp lại em chiều mưa hôm ấy.
Lòng như có lửa, tôi lân la ghé nhà láng giềng tìm tin tức về em. Hỏi ra mới hay em đang nằm viện vì cơn đau tim mấy hôm rồi. Những người hàng xóm nói nhiều, nhiều lắm về người chồng trăng hoa vũ phu, về cuộc ly dị trắng tay, về nỗi vất vả đơn độc nuôi con bằng chiếc máy may cót két hơn mười năm nay. Tôi bước đi trong vô thức, tim xót xa đau đến ứa nước mắt…
Tôi quày quả đến bệnh viện, lòng dặn lòng phải can đảm lên, không được trì hoãn. Tôi đã bỏ lỡ và không phải ai cũng có được cơ hội sau hơn hai mươi năm biển dâu dời đổi. Xúc động, hồi hộp, lo sợ,… nhiều xúc cảm đan xen khi tôi ngồi bên cạnh giường cầm nhẹ tay em. Em gầy hơn thật nhiều so với lần gặp chiều mưa. Đôi mắt đen to tròn ngày nào giờ hằn nét u buồn in những dấu chân chim. Khóe môi có chiếc răng khểnh nũng nịu khẽ cười run run gọi tên tôi:
– Khắc Ý, anh vẫn nhận ra em!
Tôi gật đầu nghẹn ngào không nói được lời nào. Tôi và em nhìn nhau như đêm đối mặt hơn hai mươi năm trước. Trái tim tôi như được nới rộng ra gấp nhiều lần, ngập tràn nỗi dịu êm đẫm mật ngọt ngào. Lâu thật lâu, tôi mới thầm thì:
– Anh biết hoàn cảnh của em. Anh cũng đang sống một mình. Anh sẽ không bao giờ bỏ cuộc hay trốn chạy. Xin lỗi em đêm ấy…
Thảo Linh không nghe rõ nhưng dường như em hiểu những gì lòng tôi muốn nói. Mắt em long lanh ướt mà môi em mỉm cười. Nụ cười có chiếc răng khểnh dễ thương như ngày xưa. Tôi siết chặt tay em, khẽ khàng hôn từng ngón xương gầy guộc. Từ bây giờ, anh sẽ bảo vệ em. Em khép mắt lại ngăn giọt nước mắt tràn mi, tựa đầu vào vai tôi tin cậy. Không gian yên ắng chợt văng vẳng tiếng hát từ một quán cà phê nào đó bên kia đường vọng lại: “… tình yêu… là tình yêu ngát hương… vẫn thấy bên vai mình một tình yêu thủy chung…”./.
T.M.