BÀI TỔNG HỢP HOẶC TỪNG MÔN ĐỘC LẬP
Đến thời điểm này, hơn 10 đơn vị đã công bố thông tin về việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực – tư duy phục vụ tuyển sinh ĐH. Về hình thức làm bài, các kỳ thi sẽ yêu cầu thí sinh (TS) làm bài thi trên máy tính hoặc trên giấy. Phần lớn các kỳ thi đều được thực hiện theo hình thức trắc nghiệm khách quan, trừ một số bài thi có sự kết hợp thêm phần tự luận hoặc kỹ năng khác.
Khác biệt lớn nhất nằm ở cấu trúc bài thi theo hướng một bài tổng hợp hoặc từng môn độc lập. Tùy theo đặc thù tuyển sinh của các trường, số lượng môn được lựa chọn đưa vào từng kỳ thi cũng không giống nhau.
Dù vậy, theo đại diện các đơn vị tổ chức kỳ thi riêng, các kỳ thi đều giống nhau trong cách tiếp cận ra đề.
Theo thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, các kỳ thi riêng dù được tổ chức khác nhau nhưng cách tiếp cận để ra đề thi đều dựa trên cách đánh giá năng lực học sinh (HS) bám sát vào chương trình học phổ thông để phục vụ mục tiêu xét tuyển ĐH. Tùy đặc thù ngành đào tạo, mỗi kỳ thi có những sự khác biệt nhất định trong cách thức tổ chức, các năng lực cần thiết cần đánh giá…
Thạc sĩ Trung minh họa nhận định trên bằng việc so sánh 2 kỳ thi riêng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Kỳ thi của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội có 8 môn và TS làm bài thi trên giấy, trong khi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM yêu cầu TS làm bài hoàn toàn trên máy tính. Dù khác nhau về hình thức thi trên máy tính và trên giấy nhưng 2 bài thi có sự tương đồng khi cùng đánh giá người học theo từng năng lực chuyên biệt và có thêm phần thi tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan. Phạm vi kiến thức được hỏi trong đề bám sát chương trình phổ thông, trong đó 80% kiến thức lớp 12.
CÓ THỂ THAM GIA NHIỀU BÀI THI KHÁC NHAU
Ngay cả khi so sánh với các kỳ thi khác, thạc sĩ Trung nói thêm: “Một HS học tốt chương trình phổ thông kết hợp với khả năng suy luận tốt có thể tự tin để tham gia các bài thi khác nhau”.
Về vấn đề này, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cũng nhìn nhận: “Các trường tổ chức thi riêng khác nhau, đánh giá năng lực và kỹ năng khác nhau nhưng đều dựa trên nền tảng kiến thức học tập trong chương trình giáo dục phổ thông. Một HS có sự chuẩn bị sớm cho kỳ thi riêng từ lớp 10, 11 hay đến lớp 12 mới nghĩ đến việc tham gia kỳ thi sẽ không có sự khác biệt nếu đã học tốt các kiến thức trong chương trình”. Theo thạc sĩ Khang, HS không nên chạy theo việc luyện thi mà cần tìm hiểu kỹ định dạng kỳ thi, rèn luyện thêm kỹ năng làm bài để đạt kết quả tốt hơn.
“Ví dụ, kỳ thi đánh giá đầu vào ĐH trên máy tính (V-SAT) do Trường ĐH Cần Thơ tổ chức sẽ có một phần đề thi được ra ở dạng câu hỏi ghép hợp. Dạng câu hỏi này ít được sử dụng trong các bài thi thông thường mà phổ biến hơn với kỳ thi HS giỏi. Do đó, việc tìm hiểu đề minh họa để hiểu yêu cầu đề thi từ đó xây dựng cách làm bài phù hợp là rất cần thiết”, thạc sĩ Khang nói thêm.
MỞ RỘNG VIỆC CÔNG NHẬN KẾT QUẢ THI LẪN NHAU
Dù vậy, đại diện các trường ĐH đều có chung lời khuyên là TS không nên tham dự cùng lúc quá nhiều kỳ thi. Thay vào đó, từ việc định hướng ngành học, trường học để lựa chọn kỳ thi phù hợp với bản thân. Điều này càng đúng trong bối cảnh nhiều trường ĐH cùng công nhận và sử dụng chung kết quả một kỳ thi nhằm giúp TS hạn chế tình trạng phải thi nhiều lần.
Hầu hết các kỳ thi riêng được tổ chức đều phục vụ cho xét tuyển nhiều trường. Quy mô trường sử dụng nhiều nhất hiện đang là kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, với 105 đơn vị đào tạo ĐH và CĐ khác nhau. Năm 2023, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có 74 trường ĐH và học viện dùng tuyển đầu vào. Hai kỳ thi của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng được công nhận sử dụng xét tuyển chung cho nhóm 7 trường ĐH sư phạm trong cả nước. Đến tháng 2 năm nay, có 36 trường cũng đăng ký sử dụng kết quả bài thi đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội để xét tuyển. Gần đây nhất, kỳ thi V-SAT do Trung tâm khảo thí quốc gia và đánh giá chất lượng giáo dục (Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) phối hợp với 6 trường ĐH tổ chức cũng được công nhận sử dụng cho các trường này.
Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung cho biết năm 2023 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã tiếp nhận kết quả thi của 10 TS dự thi tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội để xét tuyển. Năm nay, TS phía bắc có thể tham dự kỳ thi tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và TS phía nam có thể tham dự kỳ thi tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM để lấy kết quả xét tuyển vào bất kỳ trường nào trong số 7 trường ĐH đào tạo giáo viên. Ngoài 2 trường tổ chức thi trên, 5 trường còn lại tham gia xét tuyển gồm: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên) và Trường ĐH Vinh. Riêng khu vực miền Trung, TS có thể chọn thi tại điểm thi của một trong 2 trường để lấy kết quả xét tuyển vào các trường còn lại. “TS chỉ cần dự thi và có chứng nhận kết quả thi tại một trong 2 trường sẽ được tham gia xét tuyển bình đẳng như các TS khác”, thạc sĩ Trung nhấn mạnh.
Với kỳ thi V-SAT, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang cho biết 6 trường ĐH ký thỏa thuận tổ chức và sử dụng chung kỳ thi này để xét tuyển. TS có thể đăng ký tham dự kỳ thi này tại một trong 6 trường để có kết quả xét tuyển vào các trường còn lại. Tuy nhiên, thạc sĩ Khang lưu ý kỳ thi được tổ chức giống nhau tại các trường nhưng việc sử dụng kết quả này để xét tuyển có thể không giống nhau. Chẳng hạn, năm nay Trường ĐH Cần Thơ lần đầu tổ chức kỳ thi V-SAT để xét tuyển cho 20% chỉ tiêu các ngành (trừ các ngành đào tạo giáo viên, văn học và báo chí). Phương thức này, trường chỉ xét riêng điểm của kỳ thi, không kết hợp với căn cứ xét tuyển khác. Trong khi đó, cũng xét tuyển kết quả kỳ thi này nhưng năm 2023 Trường ĐH Sài Gòn sử dụng điểm môn ngữ văn từ kết quả thi tốt nghiệp THPT do không tổ chức thi môn này.
“Trường sẽ bắt đầu nhận TS đăng ký tham dự kỳ thi từ ngày 15.3 và sẽ công bố danh mục ngành, tổ hợp xét tuyển cụ thể theo phương thức xét tuyển này”, thạc sĩ Khang thông tin thêm.
HS có khả năng suy luận tốt hơn sẽ đạt kết quả cao hơn
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho biết mỗi kỳ thi có đặc thù riêng về đề thi nhưng mục tiêu chung là cùng đánh giá năng lực học tập của HS bậc THPT làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ. Sự khác biệt có chăng nằm ở mức độ phân hóa của mỗi kỳ thi, vì vậy những yêu cầu đặt ra với thí sinh cũng có khác nhau. Khi đó, một HS chăm chỉ và nhớ bài dễ đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nhưng với các kỳ thi đánh giá năng lực, HS có khả năng suy luận tốt hơn sẽ đạt kết quả cao hơn. “Nhưng tựu trung lại, HS có sự trang bị tốt kiến thức và năng lực ở bậc phổ thông sẽ tham gia được các kỳ thi”, tiến sĩ Chính nhấn mạnh.