Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến Chọn ngành học cho tương lai với chủ đề “Cơ hội phát triển với nhóm ngành công nghệ” do Báo Thanh Niên tổ chức vào chiều 19.3 thu hút sự quan tâm của nhiều thí sinh. Sau khi nghe chia sẻ thực tế từ chuyên gia tại các trường ĐH, nhiều câu hỏi liên quan đến tố chất của người làm công nghệ như cần gì để học giỏi, làm tốt trong ngành… đã được thảo luận chi tiết.
Khi đặc thù ngành “trái dấu” với cá tính
Tại chương trình, nam sinh Tuấn Khải (tỉnh Tiền Giang) cho biết em là người hướng ngoại. Điều này liệu có phù hợp với ngành công nghệ? Giải đáp thắc mắc này, thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế-Tài chính TP.HCM, khẳng định với lĩnh vực công nghệ, sinh viên phải thực sự đam mê, kiên trì, có tư duy logic và nhạy bén, còn hướng ngoại chỉ là một điểm cộng.
“Bên cạnh đó, nếu chọn học những lĩnh vực liên ngành như kinh tế số, công nghệ tài chính, ngoài tố chất của người làm công nghệ, thí sinh cũng phải đáp ứng yêu cầu của ngành còn lại. Thực tế không có ngành nghề ‘hot’ mà chỉ có nhân sự ‘hot’ trong ngành nghề đó. Muốn trúng tuyển một trường ĐH ở thời điểm hiện tại cũng không khó, cái khó là các bạn phải chọn được ngành nghề thực sự phù hợp”, ông Nguyên nhận định.
“Trước khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh có 3 công việc quan trọng cần làm, lần lượt là định vị bản thân, định vị ngành nghề và cuối cùng là định vị thị trường lao động”, thạc sĩ Nguyên nói thêm.
“Học ngành công nghệ thông tin hay khoa học máy tính có cần giỏi tiếng Anh không? Em thấy người làm việc trong lĩnh vực này thường ngồi một chỗ, vậy có phù hợp với người thích đi đây đi đó như em không?”. Trả lời vấn đề này, tiến sĩ Trương Hải Bằng, khoa Kỹ thuật và Khoa học máy tính Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết tiếng Anh không là yếu tố bắt buộc, nhưng sinh viên cần tăng cường xuyên suốt thời gian học.
“Bởi, năng lực tiếng Anh tốt sẽ mang lại nhiều lợi thế cho chính các bạn. Đầu tiên là khả năng tiếp cận nhiều kiến thức hơn vì các tài liệu học thuật, tài nguyên trực tuyến chủ yếu được viết bằng tiếng Anh. Thứ hai là cơ hội giao tiếp quốc tế vì tiếng Anh là ngôn ngữ chung trong cộng đồng công nghệ toàn cầu. Cuối cùng là gia tăng cơ hội việc làm, vì tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng ở những tập đoàn lớn”, ông Bằng lý giải.
Tiến sĩ Bằng cho biết thêm, hiện nay nhiều công ty công nghệ tạo điều kiện làm việc linh hoạt, cho phép nhân viên làm từ xa chứ không bắt buộc phải ngồi một chỗ trên văn phòng cả ngày như trước. Điều này nhằm cải thiện sự cân bằng trong cuộc sống và công việc, đồng thời giúp nâng cao hiệu suất làm việc. “Thế nên, vừa du lịch Phú Quốc vừa làm cho công ty tại Mỹ đã không còn là điều xa lạ”, tiến sĩ Bằng nhận xét.
Thích sửa máy móc, thiết bị, nên học ngành gì?
Đó là thắc mắc được gửi đến thạc sĩ Dương Thành Phết, Phó trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Ông Phết cho hay, ở môi trường ĐH, sinh viên không chỉ học nghề mà còn được tiếp cận các khối kiến thức về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và kỹ năng cứng, kỹ năng mềm. “Điều này giúp các bạn dễ dàng thích ứng với nhiều cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực của ngành”, ông Phết lưu ý.
Nam chuyên gia cho hay, riêng với khối ngành công nghệ, thí sinh có thể đảm đương nhiều vị trí khác nhau, trong đó có công việc ở bộ phận IT Helpdesk. Đây là bộ phận bắt buộc phải có ở các doanh nghiệp hiện nay, chịu trách nhiệm hỗ trợ nhân sự trong việc sử dụng, vận hành các sản phẩm công nghệ, “và rất phù hợp nếu các bạn đam mê sửa chữa, lắp ráp, vận hành máy móc, thiết bị”.
“Nhìn chung, các ngành công nghệ đều có đào tạo kiến thức cơ bản lẫn chuyên sâu về việc vận hành thiết bị công nghệ, hỗ trợ người dùng sử dụng các sản phẩm công nghệ. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý bồi dưỡng nhiều kỹ năng, tay nghề khác nhau trên giảng đường ĐH để không bó buộc mình chỉ ở một công việc nhất định, mà có thể linh hoạt chuyển đổi trong tương lai”, thạc sĩ Phết lưu ý.
Tiến sĩ Nguyễn Kim Quốc, Trưởng khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Nguyễn Tất Thành thì nhận được câu hỏi:”Học ngành công nghệ thông tin, sinh viên sẽ được thực hành tại doanh nghiệp hay tại trường, và doanh nghiệp có đòi hỏi phải có kinh nghiệm hay không?”.
Trả lời vấn đề này, ông Quốc cho biết trường ĐH thường kết nối với doanh nghiệp để cùng tham gia thiết kế chương trình đào tạo, thế nên việc học thực hành được tổ chức ở cả 2 nơi là trường ĐH và doanh nghiệp. “Tại trường, các bạn sẽ được thực hành dự án môn học. Trong khi đó, doanh nghiệp là nơi sinh viên đến trải nghiệm thực tế, học các chuyên đề hay tham gia các dự án thực tế”, nam chuyên gia cho hay.
Tiến sĩ Quốc đồng thời lưu ý, tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp sẽ có yêu cầu đầu vào khác nhau. Chẳng hạn, với các tập đoàn công nghệ lớn, kinh nghiệm chuyên môn và khả năng tiếng Anh là hai tiêu chí được quan tâm nhất. Còn với doanh nghiệp vừa, nhỏ hoặc công ty khởi nghiệp, sự thích nghi, năng động được đánh giá cao hơn, còn kỹ năng chuyên môn chỉ cần đáp ứng ở mức căn bản.