Giảm khai thác hải sản từ tự nhiên, đẩy mạnh nuôi trồng trên biển (nuôi biển), đặc biệt ở quy mô công nghiệp, là một trong những giải pháp mà ngành thủy sản Việt Nam đang hướng tới nhằm cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển, qua đó phát triển ngành thủy sản một cách bền vững. Bên cạnh đó, đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giải quyết vấn đề khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Cá được bày bán tại cảng cá Đông Hải. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN
Với chiều dài bờ biển lên tới 3.260km, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Đây là một trong những lợi thế quan trọng đối với Việt Nam để phát triển nuôi biển. Tuy nhiên, việc phát triển nuôi biển ở nước ta hiện nay còn gặp không ít khó khăn, thách thức do nhận thức về giá trị nuôi biển còn hạn chế, rủi ro lớn, nguồn lực thiếu, hiểu biết thị trường cho các sản phẩm nuôi biển chưa sâu.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, quy mô nuôi biển ở Việt Nam vẫn còn nhỏ, dẫn tới giá thành cao và khả năng cạnh tranh thấp. Khu vực nuôi biển lại chủ yếu ở gần bờ, ven các đảo. Việc đảm bảo con giống, thức ăn nuôi, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm… vẫn còn hạn chế.
Kết quả là theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến năm 2022, diện tích nuôi biển ở nước ta mới đạt 85.000 ha với 8,9 triệu m3 lồng; sản lượng nuôi biển đạt 750.000 tấn; tổng số cơ sở nuôi biển của nước ta có khoảng 7.447 cơ sở với 248.768 lồng/bè. Về giống, nước ta đã sản xuất được cá biển, nhuyễn thể và rong biển với nhiều công nghệ, mô hình nuôi khác nhau.
Trong bối cảnh đó, tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó khẳng định: “Đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (gọi tắt là nuôi biển) thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong toàn bộ ngành thủy sản, trong đó lấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt để đầu tư phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp ở vùng biển xa”.
Trong Đề án, Chính phủ đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10,0 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn; và đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 1.450.000 tấn:
Để thực hiện mục tiêu trên, trong Đề án, Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ và 9 nhóm giải pháp cụ thể, đồng thời đưa ra một loạt danh mục các dự án đầu tư, nghiên cứu chủ yếu trong các lĩnh vực: đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi biển, phát triển khoa học công nghệ phục vụ các khâu trong chuỗi nuôi biển, và quản lý nuôi biển.
Triển khai Đề án trên, ông Trần Công Khôi, Trưởng phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết ngành đang cùng các tổ chức, đơn vị cá nhân chuyển đổi nghề cho bà con khai thác ven bờ sang phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Bên cạnh đó, ngành đang phối hợp cùng số công ty triển khai các mô hình nuôi thủy sản cộng đồng tại Phú Yên, Bình Định, Cà Mau, Kiên Giang… Những mô hình này phát triển theo phương thức đồng quản lý vừa quản lý được khai thác ven bờ, vừa chuyển đổi nghề cho bà con ngư dân, đồng thời giúp các hoạt động khai thác tận diệt ven bờ được giảm thiểu.
Tuy nhiên, PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản III, nêu vấn đề là trừ các doanh nghiệp nuôi biển, phần nhiều người nuôi đều nuôi theo kiểu truyền thống, với vật liệu làm lồng thô sơ, kỹ thuật nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Vì thế, theo các chuyên gia, ứng với với mỗi một nhóm quy mô nuôi biển khác nhau, Nhà nước cần đưa ra các giải pháp chuyển đổi khác nhau. Chẳng hạn với nhóm có qui mô lớn, cần vận động người dân hợp tác, hướng đến chuyển đổi sang các mô hình nuôi biển theo hướng công nghệ cao như các công ty, doanh nghiệp để dẫn dắt những người nuôi khác.
Với nhóm có quy mô trung bình, tập trung hướng dẫn, tập huấn/đào tạo và tăng cường tham quan mô hình nuôi biển tốt hơn, hiện đại hơn, bảo vệ môi trường biển trong sạch hơn; đồng thời có chính sách hỗ trợ, có giải pháp khoa học công nghệ tốt hơn/khác biệt hơn so với kiểu nuôi biển truyền thống.
Với nhóm có ít ô lồng hơn thì cần thúc đẩy liên kết để gia tăng nguồn lực, khuyến khích họ chuyển đổi nghề hoặc liên kết lại với nhau để họ vẫn có thể tham gia vào chuỗi hoạt động nuôi biển ở địa phương.
Thả cá tại mô hình lồng HDPE ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Đặng Tuấn –TTXVN
Một trong những mô hình nuôi biển khá thành công hiện nay là mô hình xây dựng chuỗi nuôi biển cho bà con ở Quảng Ninh của Công ty Cổ phần Tập đoàn STP Group. Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc STP Group, chia sẻ doanh nghiệp này đã kết hợp với 43 hộ nông dân, hỗ trợ trả góp trong vòng 18 tháng, doanh nghiệp cung cấp giống cho các hộ nông dân và sau đó, thu mua sản phẩm của họ để bán lại cho Công ty Rau câu Long Hải.
Còn để sản phẩm nuôi biển có thể xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng cần phải xây dựng các vùng nuôi lớn đạt chuẩn, đồng thời phải có nghiên cứu sâu, đủ về các thị trường tiềm năng và có cách tiếp cận phù hợp, làm theo đúng yêu cầu thị trường.
Hiện nay, ngành thủy sản đang tăng cường hợp tác quốc tế trong chuyển giao khoa học công nghệ về thiết kế, vật liệu làm lồng bè; công nghệ sản xuất giống, thức ăn, nuôi thương phẩm, phòng trị bệnh và các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường hợp về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quản lý, nghiên cứu và sản xuất cho nuôi biển./.
Hoàng Hà