Phóng viên (PV): Là địa phương có truyền thống cách mạng, nhưng thời gian dài sau giải phóng, đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Vậy theo đồng chí đâu là nguyên nhân?

Bí thư Võ Ngọc Tuyên: Huyện Lắk là cửa ngõ phía Đông Nam của tỉnh Đắk Lắk. Huyện vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1998; là huyện ATK, khu căn cứ cách mạng H10 có nhiều đóng góp trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, có truyền thống anh hùng cách mạng, trung thành với Đảng. Hiện nay, đời sống còn nhiều khó khăn, lý do khách quan do dân số khá đông với hơn 75.000 người, trong đó có hơn 63% là đồng bào DTTS. Trình độ dân trí không đồng đều. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống hằng ngày còn hạn chế, đặc biệt vào sản xuất nông nghiệp, dẫn đến năng suất, chất lượng chưa cao, giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích thấp, dẫn đến đời sống người dân gặp khó khăn.

Mặt khác, huyện Lắk có diện tích tự nhiên rộng 1.256km2 nhưng diện tích đất lâm nghiệp chiếm tới hơn 80%, số còn lại khoảng 20%, trừ diện tích sông suối, ao hồ, đất giao thông thì đất sản xuất chỉ khoảng 15%, dẫn đến bà con thiếu đất sản xuất, vì vậy hộ đói nghèo càng cao. Bên cạnh đó, huyện Lắk có địa hình chia cắt đồi núi, đất đai bạc màu làm cho năng suất, sản lượng, chất lượng kém, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn so với địa bàn khác.

Đồng chí Võ Ngọc Tuyên. 

 

PV: Những năm gần đây, trong phát triển kinh tế-xã hội, Huyện ủy Lắk đã đề ra những quyết sách cụ thể nào và kết quả đạt được ra sao?

Bí thư Võ Ngọc Tuyên: Ngay đầu nhiệm kỳ 2020-2025, trên cơ sở phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức của huyện Lắk, chúng tôi bàn bạc, thống nhất trong Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ xây dựng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; giữ vững ổn định chính trị; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc; tập trung nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu xây dựng trung tâm huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh vào năm 2030”.

Cụ thể, đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện, như: Nghị quyết số 02-NQ/HU, ngày 13-10-2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV “Tập trung huy động các nguồn lực nhằm xây dựng và phát triển huyện Lắk trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk vào năm 2030”; Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 5-3-2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV “Về lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 29-10-2021 “Về xây dựng và phát triển thị trấn Liên Sơn giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030” và Nghị quyết 09-NQ/HU ngày 28-2-2022 “Về định hướng xây dựng thương hiệu gạo huyện Lắk”… Đến nay đã hỗ trợ và trồng hơn 320.000 cây ăn trái các loại, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo. 

 Cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang xã Bông Krang hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cây trồng. Ảnh: ĐỊNH THỦY

PV: Giảm nghèo bền vững trong vùng đồng bào DTTS tại chỗ luôn là bài toán khó đối với các tỉnh Tây Nguyên. Cách mà huyện Lắk đã và đang làm để giải bài toán này là gì? 

Bí thư Võ Ngọc Tuyên: Mục tiêu cao nhất của huyện là chăm lo đời sống cho nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân, không ai bị bỏ lại phía sau. Từ phân tích thực trạng đời sống của nhân dân trên địa bàn, huyện ủy đã chỉ ra các nguyên nhân sâu xa của sự đói nghèo cả về khách quan và chủ quan, chủ yếu là phương thức sản xuất còn lạc hậu, tự phát, chưa có sự định hướng của chính quyền địa phương lựa chọn loại hình sản xuất phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng, thị trường tiêu thụ; chưa so sánh giá trị thu nhập giữa các loại cây trồng, vật nuôi; hầu hết người dân tự lựa chọn theo truyền thống, dẫn đến giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, trên một đồng vốn đạt thấp, từ đó vẫn còn đói nghèo.

Từ phân tích nguyên nhân, huyện Lắk đã đưa ra nhiều giải pháp sát với tình hình thực tế. Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn quan tâm chỉ đạo sát sao các lĩnh vực đời sống xã hội, đã lựa chọn những cán bộ thực sự năng động, có năng lực, phẩm chất tiêu biểu để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động ở cơ sở. Đồng thời, huyện đã chỉ đạo áp dụng nhiều giống mới vào sản xuất bảo đảm năng suất, sản lượng, chất lượng như giống lúa ST24, ST25, có vựa lúa đạt năng suất 12-14 tấn/ha, thay thế các cây trồng kém hiệu quả như: Điều, cà phê, hồ tiêu sang trồng các cây ăn trái như: Sầu siêng, nhãn, mít, cam, quýt nhằm tăng thu nhập cao hơn rất nhiều lần.

Thời gian qua, huyện Lắk phát huy các thế mạnh là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ làng nghề truyền thống như: Dệt thổ cẩm, làng gốm…, góp phần tăng thu nhập, từ đó giảm tỷ lệ hộ nghèo. Tháng 3-2022, huyện Lắk chính thức thoát huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 25,24%.   

PV: Mục tiêu khái quát trong phát triển kinh tế-xã hội của huyện Lắk nửa sau nhiệm kỳ này là gì, thưa đồng chí? 

Bí thư Võ Ngọc Tuyên: Huyện luôn bám sát vào các chỉ tiêu mà Nghị quyết đã đề ra, trên cơ sở đó dự báo các chỉ tiêu đạt thấp hoặc có khó khăn, từ đó đưa ra các nhóm giải pháp đối với tình hình thực tế để phấn đấu hoàn thành. Huyện chú trọng công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư nhằm phát huy nội lực, huy động ngoại lực thông qua kênh xúc tiến mời gọi đầu tư, như: Đầu tư hạ tầng Cụm công nghiệp Yang Tao để mời gọi các nhà máy chế biến vào cụm công nghiệp như: Nhà máy gạo, nhà máy chế biến gỗ. Huyện tiếp tục thu hút đầu tư các điểm du lịch dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị.

Huyện phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ 2020-2025 toàn huyện trồng hơn 500.000 cây ăn trái các loại; xây dựng huyện Lắk thành vựa trái cây và là trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk; có 3/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

KIỀU BÌNH ĐỊNH (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.