Ngành du lịch đang tạo được đà tăng trưởng mạnh song còn thiếu sản phẩm cao cấp chủ chốt để thu hút khách hạng sang…
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), năm 2024 có 17,5 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam – tăng 38,9%; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt – tăng 1,6%; tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840.000 tỉ đồng – tăng 23,8% so với năm 2023.
Hà Nội, TP HCM đóng góp lớn
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Hồ An Phong đánh giá Hà Nội đang đóng vai trò “đầu tàu” của du lịch cả nước. Năm 2024, nguồn thu từ du lịch của Hà Nội chiếm 1/8 tổng doanh thu cả nước; lượng khách quốc tế đạt 6,35 triệu lượt – chiếm 35% cả nước và tăng 34,4% so với năm 2023. Tính chung tổng lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Nội năm vừa qua là 27,86 triệu lượt.
Theo bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch TP Hà Nội, thành tựu của du lịch Hà Nội còn được chứng minh bằng nhiều giải thưởng uy tín. Điều này cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ của du lịch thủ đô trên bản đồ quốc tế và khu vực, tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước.
“Năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu đón trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với năm 2024, trong đó có trên 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu đạt trên 130.000 tỉ đồng” – bà Giang thông tin.
Trong khi đó, năm 2024, TP HCM đã đón 6 triệu lượt khách quốc tế – tăng 20%; khách du lịch nội địa ước đạt 38 triệu lượt – tăng 8,6%; tổng thu ước đạt 190.000 tỉ đồng – tăng 18,8% so với năm trước. Với đà tăng trưởng cao này, TP HCM đặt mục tiêu đón 8,5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025 – tăng hơn 40% so với năm trước; khách nội địa đạt khoảng 45 triệu lượt; tổng thu ước 260.000 tỉ đồng – tăng 37%.
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, đánh giá TP HCM đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của du lịch Việt Nam. Theo ông, mục tiêu doanh thu từ khách du lịch của TP HCM năm 2025 đạt 190.000 tỉ đồng là rất ấn tượng, thể hiện sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường này nói riêng và cả nước nói chung.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Năm 2025, Bộ VH-TT-DL đặt mục tiêu đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120-130 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt từ 980 đến hơn 1 triệu tỉ đồng.
Để đạt mục tiêu, Bộ VH-TT-DL cho biết sẽ nghiên cứu các giải pháp đột phá, mạnh mẽ; khẩn trương hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số toàn diện. Ngành du lịch cũng phát động phong trào thi đua “Dịch vụ chuyên nghiệp, phục vụ ân cần, ứng xử văn minh, môi trường xanh sạch” để mang đến “nụ cười du lịch Việt Nam”. Ngoài ra, Bộ VH-TT-DL cũng sẽ xây dựng Chương trình quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới giai đoạn 2026-2030.
Một điểm nhấn quan trọng là Bộ VH-TT-DL sẽ xây dựng chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá theo cách làm mới, góp phần phát triển du lịch Việt Nam nhanh, toàn diện và bền vững. Theo đó, tham gia, tổ chức hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch tại các thị trường trọng điểm; tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2025 tại Đức, Hội chợ Travex 2025 tại Malaysia.
Theo các chuyên gia, ngành du lịch đang tạo được đà tăng trưởng mạnh, song vẫn phải đối diện với nhiều thách thức như thiếu sản phẩm cao cấp chủ chốt để thu hút khách hạng sang; chất lượng dịch vụ, môi trường chưa cao…
Ông Phạm Văn Thủy, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, cho rằng mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi phải có sự tham gia từ cộng đồng doanh nghiệp, sự vào cuộc của nhiều ban, ngành và huy động nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về nhiệm vụ này còn chưa đồng đều; sự phối hợp liên ngành, liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức lẫn hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Đáng chú ý, nhiều địa phương có dư địa để phát triển du lịch nhưng thiếu định hướng.
Công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng
Theo khảo sát của nền tảng du lịch số Agoda, năm 2025, du khách Việt ngày càng chú trọng đến các chuyến du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm cùng gia đình và khám phá những điểm đến mới lạ. Theo đó, 65% người được khảo sát ưu tiên nghỉ dưỡng, 49% lựa chọn khám phá văn hóa và số người lựa chọn thăm gia đình, bạn bè chiếm 39%. Có 39% du khách Việt Nam lên kế hoạch du lịch cùng người thân, 20% có dự định du lịch một mình và du lịch cặp đôi chiếm 17%.
Công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc lên kế hoạch du lịch khi 78% du khách cho biết sẽ sử dụng ứng dụng du lịch để tổ chức chuyến đi. Đáng chú ý, bên cạnh các chuyến công tác truyền thống, xu hướng du lịch kết hợp làm việc từ xa đang ngày càng phổ biến.
Nguồn: https://nld.com.vn/huong-den-muc-tieu-don-23-trieu-luot-khach-quoc-te-196250105220200321.htm