Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư hướng dẫn công tác duy tu bảo dưỡng đê điều và xử lý khẩn cấp sự cố đê điều. Theo đó về quy trình lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều từ nguồn ngân sách trung ương. Sự cấp thiết phải duy tu, sửa chữa để đảm bảo an toàn cho đê, chống xuống cấp, đáp ứng yêu cầu phòng, chống lũ lụt, bão; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều trước ngày 15/6 hàng năm, gửi Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai để kiểm tra, tổng hợp.
Hệ thống đê điều của Việt Nam có quy mô lớn với tổng số 9.080 km đê các loại.
Căn cứ tổng kinh phí chi cho công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ, hiện trạng đê điều và đặc thù của từng địa phương, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phê duyệt kinh phí, bao gồm kinh phí cho kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều của các địa phương do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện; Tổng kinh phí xử lý khẩn cấp (cấp bách) sự cố đê điều. Căn cứ vào kinh phí được phê duyệt, hiện trạng đê điều, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức và các quy định hiện hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập dự án hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật (đối với các nội dung có cấu phần xây dựng) hoặc lập đề cương – dự toán (đi với các nội dung không có cấu phần xây dựng), trình Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thẩm định, phê duyệt.
Đầu tư xây dựng hệ thống đê điều giúp pháp triển kinh tế xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững
Sau khi dự án, báo cáo kinh tế – kỹ thuật hoặc đề cương – dự toán được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, trình Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai phê duyệt và tổ chức triển khai các bước tiếp theo đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về xây dựng, đấu thầu. Đối với nội dung Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức thực hiện: Căn cứ vào kinh phí được phê duyệt, yêu cầu, nhiệm vụ công tác quản lý, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức và các quy định hiện hành, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt đề cương – dự toán, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu để tổ chức thực hiện.
Khi phát hiện sự cố đê điều, cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về đê điều trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra cụ thể vị trí xảy ra sự cố và báo cáo bằng văn bản, đề xuất giải pháp xử lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức kiểm tra sự cố, báo cáo, tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn đê điều và báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai. Căn cứ báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai kiểm tra thực địa và có ý kiến bằng văn bản về chủ trương xử lý và nguồn kinh phí xử lý sự cố.
Sau khi có ý kiến bằng văn bản của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai về chủ trương và nguồn kinh phí xử lý sự cố, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập phương án (dự án) xử lý khẩn cấp (cấp bách) trình Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai thẩm định, phê duyệt để tổ chức thực hiện. Thành phần hồ sơ theo quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều để tổ chức xử lý khẩn cấp (cấp bách) sự cố đê điều.
Việc tổ chức thực hiện dự án khẩn cấp (cấp bách) xử lý sự cố đê điều được thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP. Trường hợp phát hiện sự cố đê điều trong khi đang có bão, lũ phải sửa chữa ngay để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh triển khai các biện pháp ứng cứu kịp thời, sau đó hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai xét duyệt. Việc lập, thực hiện kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều và xử lý khẩn cấp (cấp bách) sự cố đê điều từ nguồn ngân sách địa phương thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các quy định hiện hành.
Dân Hùng