Bộ Y tế thông tin, đã nhận được văn bản của một số địa phương, đơn vị đề nghị hướng dẫn xử lý vướng mắc trong công tác đấu thầu thuốc sau khi Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực.
Về nội dung này, Bộ Y tế có ý kiến cụ thể, ngày 23/6/2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đấu thầu số 22 có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 và thay thế Luật Đấu thầu số 43 ngày 26/11/2013, trong đó có Quy định chuyển tiếp tại Điều 96 Luật Đấu thầu số 22.
Để triển khai thực hiện Luật Đấu thầu số 22, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện bước lấy ý kiến tham gia góp ý của các thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
Hiện nay, Bộ Y tế đang thực việc xây dựng Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập đảm bảo phù hợp với các quy định của Luật Đấu thầu số 22 và Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu; tổng hợp, kế thừa các nội dung còn phù hợp tại các Thông tư quy định việc đấu thầu thuốc đã được ban hành.
Để đảm bảo tuân thủ Luật Đấu thầu số 22, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nghiên cứu kỹ Luật đấu thầu số 22, trong đó khoản 1 Điều 96 đã quy định: “Các gói thầu lựa chọn nhà thầu đã phê duyệt và phát hành hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục tổ chức lựa chọn danh sách ngắn, lựa chọn nhà thầu, ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu số 43 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành”.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị nghiên cứu, thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định.