Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho biết, đây là dịp để IPS và các phóng viên có thể thảo luận, hệ thống hóa nhiều hơn các phần về thực hành chính sách công. Trong quá trình làm việc liên quan chính sách, IPS nhận thấy các nhà báo đôi khi cũng gặp khó khăn trong việc phân tích, tường thuật.
Với ví dụ đề tài chính sách liên quan thị trường bia rượu, ông Đồng phân tích sẽ có các chính sách đối với nhà sản xuất, phân phối, tiêu dùng, cùng với các biện pháp tuyên truyền… Tuy nhiên, thực tế các chính sách cần cân bằng lợi ích vật chất giữa các bên, đảm bảo về mặt phát triển kinh tế, xã hội.
Từ gợi mở trên, các diễn giả từ IPS đã khái quát thông tin về các công cụ của Nhà nước để giải quyết các vấn đề chính sách, khi nào một vấn đề trở thành vấn đề chính sách. Bên cạnh đó là mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật, các bên liên quan trong đánh giá tác động và vận động chính sách. Cụ thể, ai bị ảnh hưởng từ một chính sách, đánh giá tác động ra sao và ai liên quan trong quy trình chính sách.
Chương trình cũng thảo luận về việc tác nghiệp, viết bài liên quan chính sách, nghiên cứu tài liệu. Các phóng viên được khuyến khích tìm hiểu về chính sách liên quan hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng…
Qua chương trình mỗi phóng viên, nhà báo được phân biệt những ‘hạt sạn’ thường gặp trong các bài viết về chính sách. Các phóng viên, nhà báo làm thế nào để ‘đọc’ tài liệu nghiên cứu chính sách một cách hiệu quả nhất…
Nguồn: https://www.congluan.vn/huong-dan-phong-vien-thuc-hanh-phan-tich-chinh-sach-cong-sao-cho-hieu-qua-nhat-post309599.html