Hướng dẫn ba mẹ dạy trẻ cách bình tĩnh trong mọi tình huống

0
0
Hướng dẫn ba mẹ dạy trẻ cách bình tĩnh trong mọi tình huống
#image_title



Rất nhiều ba mẹ không biết nên làm gì khi thấy con trẻ nóng giận, cáu gắt, thậm chí là la hét, đánh người. Thực tế thì có rất nhiều cách để giúp con trong trường hợp này, bạn hãy cùng tham khảo các hướng dẫn dạy trẻ cách bình tĩnh sau đây nhé.

1. Tại sao trẻ mất bình tĩnh?

Trước khi dạy trẻ cách bình tĩnh thì bạn cần xác định được nguyên nhân khiến trẻ không giữ được bình tĩnh, trở nên nóng nảy, thậm chí là hung hăng. Nói chung, hệ thống cảm xúc của trẻ em, nhất là trong giai đoạn 2 – 6 tuổi chưa phát triển hoàn thiện. Khi gặp bất kỳ vấn đề hay sự việc nào trái với mong muốn, nhu cầu của trẻ thì thay vì kiềm chế cảm xúc, trẻ sẽ có xu hướng tức giận, la khóc và có những hành vi mất kiểm soát như đập phá đồ đạc, đánh người khác.

Đương nhiên, hành vi này là hoàn toàn sai nhưng bạn không vì thế mà “nổi cơn tam bành”, sử dụng đòn roi để dạy trẻ. Vì cách làm này có thể khiến trẻ thêm kích động, tổn thương và có xu hướng bạo lực với người khác sau này. Do đó, bạn cần biết dạy trẻ cách bình tĩnh sao cho đúng, giúp trẻ nguôi ngoai cảm xúc mà không bị khó chịu hay tổn thương.

Trẻ trong độ tuổi từ 2 - 6 tuổi chưa biết kiểm soát cảm xúc, dễ mất bình tĩnh

Trẻ trong độ tuổi từ 2 – 6 tuổi chưa biết kiểm soát cảm xúc, dễ mất bình tĩnh

2. Hướng dẫn dạy trẻ cách bình tĩnh

Thay vì quát mắng, đánh đòn khi trẻ không làm chủ được cảm xúc và hành vi, bạn hãy dạy trẻ cách bình tĩnh theo các hướng dẫn sau.

Ba mẹ cần giữ bình tĩnh

Trước khi giúp con lấy lại bình tĩnh thì bạn cần phải giữ được bình tĩnh. Việc này nói thì dễ nhưng thực hiện có thể khó, nhất là khi con bạn bướng bỉnh và không chịu nghe lời. Tuy nhiên, bạn tuyệt đối không được la mắng hay đánh đòn trẻ vì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ. Thay vào đó, cố gắng hít thở thật sâu rồi từ từ tìm cách giải quyết tiếp theo.

Cố gắng trò chuyện với con

Trong cơn mất bình tĩnh, trẻ hầu như chỉ la hét, khóc lóc và không muốn nói chuyện. Lúc này, bạn hãy cố gắng tiếp cận và trò chuyện cùng con. Việc này sẽ giúp bạn xác định được đâu là nguyên nhân khiến trẻ mất bình tĩnh, từ đó có cách giải quyết thỏa đáng cho trẻ.

Trò chuyện cùng con để biết tại sao con tức giận, cáu gắt,…

Trò chuyện cùng con để biết tại sao con tức giận, cáu gắt,…

Sử dụng vài câu chuyện

Để dạy trẻ cách bình tĩnh thì bạn đừng quên sử dụng những câu chuyện hay và ý nghĩa. Hầu hết trẻ nhỏ đều bị thu hút bởi các câu chuyện mà người lớn kể, do đó, khi trẻ đang trong trạng thái không tốt, bạn hãy nhẹ nhàng ôm ấp trẻ và kể một câu chuyện ngắn, đơn giản, dễ hiểu. Bằng cách này trẻ sẽ nguôi ngoai cảm xúc tức giận và trở nên dễ chịu hơn.

Cho trẻ nhập vai vào câu chuyện

Song song với kể chuyện, bạn hãy cho trẻ được nhập vai, hóa thân vào câu chuyện. Với bé trai thì có thể làm các nhân vật như anh hùng, siêu nhân, phi hành gia; còn bé gái có thể “hô biến” thành búp bê, công chúa xinh đẹp. Việc đóng vai này giúp trẻ tự điều chỉnh được cảm xúc của mình theo nội dung câu chuyện và quên đi cảm giác tức giận.

Mở một bản nhạc yêu thích

Đây cũng là cách dạy trẻ cách bình tĩnh khá hiệu quả mà không quá khó để thực hiện. Bạn chỉ cần mở một bản nhạc hay điệu nhạc được trẻ yêu thích mà không cần phải nói gì cả. Lúc này, tâm trí của trẻ sẽ được dẫn dắt bằng bản nhạc quen thuộc, trẻ tạm thời bỏ qua cảm xúc tiêu cực, trở nên vui vẻ và phấn chấn hơn.

Cho trẻ nghe nhạc cũng là cách dạy trẻ cách bình tĩnh

Cho trẻ nghe nhạc cũng là cách dạy trẻ cách bình tĩnh

Hướng trẻ đến hoạt động khác

Nếu trẻ mất bình tĩnh do lo lắng, sợ hãi, bất an, bạn hãy hướng trẻ đến một hoạt động nào đó để trẻ quên đi cảm giác này. Chẳng hạn, dắt trẻ đi siêu thị, rủ trẻ chơi thể thao, cùng trẻ xem chương trình truyền hình,… Những hoạt động này sẽ giúp kích thích tinh thần của trẻ, vơi đi cảm giác sợ hãi, lo lắng.

Ôm ấp trẻ vào lòng

Đối với trẻ nhỏ thì được ba mẹ ôm ấp vào lòng là cảm giác dễ chịu nhất, an toàn nhất. Vì vậy, khi tâm trạng trẻ không tốt, bạn hãy nhẹ nhàng ôm con vào lòng hoặc cho trẻ ôm thú nhồi bông hay vật nuôi mà trẻ yêu thích, gắn bó. Lúc này, trẻ sẽ có cảm giác được yêu thương, động viên, an ủi và chia sẻ. 

Để trẻ ngồi xuống và giao tiếp

Nếu trẻ đã cảm thấy dễ chịu hơn nhưng vẫn còn quấy khóc, bạn hãy để trẻ ngồi xuống, yêu cầu trẻ hít thở nhẹ nhàng và bắt đầu giao tiếp với con. Cách giao tiếp hiệu quả nhất là trò chuyện cởi mở, trung thực để biết được con mất bình tĩnh vì điều gì, đang như thế nào, có mong muốn ra sao, từ đó có hướng giải quyết ổn thỏa để trẻ được cân bằng.

Luôn chú ý hoạt động của trẻ

Hiện nay, rất nhiều ba mẹ có thói quen lướt điện thoại và để mặc con tự chơi. Đến khi trẻ gặp sự cố như té ngã, tranh giành đồ chơi với bạn,… thì vội la mắng, chỉ trích trẻ dù chưa biết rõ nguyên nhân là gì. Việc này sẽ khiến trẻ bị tổn thương nghiêm trọng và có cảm giác như mình bị bỏ rơi. Do đó, bạn hãy chú ý mọi hoạt động của trẻ ngay cả khi trẻ đang tự chơi để lỡ xảy ra vấn đề bất ngờ thì cũng “ứng phó” kịp thời.

Chơi cùng con và luôn để ý đến mọi hoạt động của con

Chơi cùng con và luôn để ý đến mọi hoạt động của con 

3. Sai lầm cần tránh khi dạy trẻ cách bình tĩnh

Khi dạy trẻ cách bình tĩnh, bạn cần tránh các sai lầm sau.

  • Không nên nói lý lẽ vì lúc này trẻ đang tức giận và khó chịu nên sẽ không tiếp thu được những lý lẽ mà bạn đang đưa ra. Bạn càng nói trẻ càng cảm thấy mệt mỏi và gắt gỏng hơn. 
  • Không phớt lờ, lạnh nhạt hay bỏ mặc trẻ vì sẽ khiến trẻ có cảm giác lạc lõng, bị bỏ rơi, không được quan tâm và yêu thương. Sau này trẻ sẽ không muốn nói chuyện và luôn giữ khoảng cách với ba mẹ.
  • Tuyệt đối không thỏa hiệp, đáp ứng yêu cầu của trẻ vì sau này, trẻ sẽ áp dụng cách này để “đe dọa” ba mẹ khi muốn đạt được mục đích gì đó. 

Trên đây là hướng dẫn dạy trẻ cách bình tĩnh cùng những sai lầm cần tránh. Nếu cần tư vấn sức khỏe hoặc đặt lịch thăm khám sức khỏe tại MEDLATEC, quý khách hãy gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.



Nguồn: https://medlatec.vn/tin-tuc/huong-dan-ba-me-day-tre-cach-binh-tinh-trong-moi-tinh-huong