DLSTCÐ tập trung vào cả 3 yếu tố: môi trường, du lịch và cộng đồng. Thời gian qua, hoạt động DLSTCÐ trên địa bàn tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng. Ðến nay, có 25 điểm DLSTCÐ đã đi vào hoạt động và một số điểm mới đã được hướng dẫn, hỗ trợ đưa vào thực hiện, quản lý. Trong 5 năm trở lại đây, các hộ làm du lịch theo hình thức này đã được kết nối trong tour, tuyến phục vụ du khách. Thông qua đó, người dân đã bắt đầu được hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng như: giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, tiêu thụ lượng lớn sản phẩm nông – lâm sản, nghề truyền thống… Nhiều lao động của vùng nông thôn tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng, tạo việc làm ổn định và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, dịch vụ phục vụ phát triển du lịch.
Bên cạnh hiệu quả trực tiếp là tăng thu cho ngành du lịch và mang tới nguồn sinh kế nhằm giảm nghèo, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hoá, cảnh quan, khôi phục và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, DLSTCÐ cũng đang góp phần làm phong phú cho sản phẩm du lịch của địa phương. Trung bình mỗi năm, tỉnh Cà Mau đón trên 123 ngàn lượt khách đến với loại hình DLSTCÐ.
Phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng, hoạt động đi bộ xuyên rừng U Minh Hạ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, việc thu hút khách du lịch đến Cà Mau tham quan, trải nghiệm tại các khu, điểm du lịch nói chung và DLSTCÐ còn những hạn chế nhất định.
Tại Kết luận số 191-KL/TU của Tỉnh uỷ Cà Mau về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 10/10/2016 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, nêu rõ: Tuy ngành du lịch của tỉnh có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng so với tiềm năng hiện có thì kết quả thu hút và phát triển du lịch Cà Mau chưa được như mong muốn, chưa tương xứng với thế mạnh sẵn có, thể hiện sự thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch cũng như công tác xúc tiến du lịch thiếu hiệu quả. Sản phẩm DLSTCÐ vẫn mang tính tự phát, chưa được tổ chức bài bản, còn manh mún, chuyển quá nhanh sang dịch vụ du lịch mà chưa chú trọng đến vấn đề duy trì bền vững. Các hộ cộng đồng và các homestay hoạt động còn nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, đầu tư chưa bài bản, thu nhập của người dân làm du lịch cộng đồng còn phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên. Nguồn nhân lực du lịch trực tiếp, gián tiếp và tự phát hầu hết là chưa chuyên nghiệp, chưa qua đào tạo về nghiệp vụ, giao tiếp, văn hoá, lịch sử,… khiến du khách còn phiền lòng về cung cách phục vụ…
Loại hình DLSTCĐ phát triển nhanh, nhưng chưa mang tính bền vững (Ảnh chụp tại một khu dịch sinh thái cộng đồng ở U Minh).
Từ thực tế này, ông Trần Hiếu Hùng, Giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao và Du lịch, cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển DLSTCÐ một cách tổng thể, từ việc đánh giá tài nguyên, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thị trường cho đến xúc tiến, quảng bá du lịch mang tính chuyên nghiệp, phát triển gắn liền với bền vững.
Theo đó, tỉnh sẽ nghiên cứu, tổ chức các sự kiện mới như: hoạt động thể thao mạo hiểm; các giải chạy marathon xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia U Minh Hạ… Ðồng thời, định hướng cho các khu, điểm du lịch trong việc tổ chức dịch vụ trải nghiệm như: trồng và thu hoạch lúa, câu cá, câu cua… theo truyền thống địa phương; xây dựng mới và trưng bày các sản phẩm lưu niệm; khôi phục và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống; thành lập các tổ, đội đờn ca tài tử, nghệ thuật truyền thống; tổ chức các trò chơi dân gian… phục vụ du khách. Chú trọng bồi dưỡng kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, ứng xử văn minh du lịch; nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững; vận động, hướng dẫn cộng đồng dân cư trở thành đội ngũ tuyên truyền, quảng bá du lịch, đại diện cho hình ảnh, nét đẹp của từng địa phương, điểm đến…
“Dù đối mặt với nhiều thách thức, song, với tiềm năng và khả năng khai thác của mình, DLSTCÐ đã và đang hứa hẹn sẽ trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn sự quan tâm đối với du khách, đặc biệt là thị trường khách quốc tế, nếu có sự phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, sở, ngành, chính quyền địa phương, nhà đầu tư và cả cộng đồng”, ông Trần Hiếu Hùng chia sẻ mong muốn đầy tâm huyết của ngành.
Hiện nay, tỉnh đang quan tâm phát triển loại hình du lịch sinh thái dựa trên xây dựng sản phẩm du lịch từ nông nghiệp, gắn việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên với hoạt động du lịch, như: khai thác có hiệu quả tuyến du lịch xuyên rừng Mũi Cà Mau (trải nghiệm, khám phá rừng nguyên sinh, bãi bồi lấn biển thêm rừng, nơi sinh sản của các loài thuỷ sản nước mặn…); triển khai thực hiện Ðề án Làng Văn hoá du lịch Ðất Mũi; khai thác sản phẩm trải nghiệm hệ sinh thái rừng ngập ngọt thuộc hệ thống Vườn Quốc gia U Minh Hạ gắn với trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân dưới tán rừng, tìm hiểu nghề gác kèo ong, kinh nghiệm đi rừng, khai thác sản vật…
Thanh Minh