Ngày 6/7, tại Nghị quyết số 368/NQ-HĐND, HĐND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng. Đây là dự án quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông vận tải thiết yếu của tỉnh Hưng Yên nói riêng, của khu vực nói chung theo quy hoạch được phê duyệt; phục vụ tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của Nhân dân và khai thác được quỹ đất dọc hai bên tuyến, phát triển và hình thành các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu dịch vụ du lịch… thu hút đầu tư trên địa bàn các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên; hình thành tuyến đường liên kết vùng kết nối các công trình di sản văn hóa, tâm linh dọc sông Hồng: Thăng Long – Phố Hiến – Tam Chúc – Bái Đính – Chùa Hương; kết nối giao thông vùng Hà Nội – Hưng Yên – Hà Nam – Ninh Bình; là bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá của Trung ương và của tỉnh; chú trọng đột phá về cơ sở hạ tầng, trong đó giao thông là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội với “giao thông đi trước một bước” là tiền đề vững chắc góp phần để đạt mục tiêu phấn đấu đưa Hưng Yên trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030. Trước yêu cầu phát triển hạ tầng giao thông trong tình hình mới, ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ngành Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh luôn xác định việc xây dựng quy hoạch tổng thể giao thông vận tải có ý nghĩa rất quan trọng, làm cơ sở để tỉnh chỉ đạo phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, toàn diện, từng bước hiện đại và bền vững, bảo đảm sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh “ấp ủ” ngay từ những ngày đầu thực hiện các khâu đột phá về phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Xác định việc xây dựng, phục dựng lại Phố Hiến xưa với những hình ảnh một thương cảng quốc tế Phố Hiến sôi động, sầm uất; hình ảnh về một đại đô thị Phố Hiến xưa cùng các công trình văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, một địa danh bên sông Hồng – con sông cái mang dấu ấn lịch sử có một không hai sẽ góp phần tạo ra những giá trị mới, động lực mới để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đưa Hưng Yên trở thành trung tâm du lịch của đồng bằng sông Hồng và cả nước. Thời gian qua, tỉnh đã mời gọi các nhà đầu tư quan tâm, có khát vọng đầu tư dự án xây dựng và phục dựng Phố Hiến xưa thành một khu du lịch lịch sử văn hóa quy mô lớn, đồng bộ và độc đáo mang tầm quốc gia, quốc tế, hướng tới một di sản văn hóa thế giới. Để hỗ trợ nhà đầu tư khi triển khai xây dựng dự án xây dựng và phục dựng Phố Hiến xưa, tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT rà soát, nghiên cứu báo cáo tiền khả thi Dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng. Quá trình nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi dự án gặp nhiều khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách, cách vận hành, vấn đề kỹ thuật khác. Tuy nhiên, những khó khăn đó đã được tỉnh nghiên cứu đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, cơ quan, đơn vị có liên quan chung tay tháo gỡ. Cùng với việc nỗ lực triển khai các bước trong công tác trình thẩm định, xét duyệt, ngày 6/7/2023, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 368/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng. Theo đó, Dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng thuộc dự án nhóm A, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng hơn 9,2 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư bằng ngân sách tỉnh. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 đến năm 2027, chủ đầu tư là Sở GTVT. Địa điểm xây dựng dự án tại các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động và thành phố Hưng Yên. Tuyến đường có điểm đầu tại Km0+000, ranh giới tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội tại km76+984 trên đường ĐT.378 (đê sông Hồng), xã Xuân Quan (Văn Giang); điểm cuối khoảng Km55+680 giao đê tả sông Hồng tại Km133+500, xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên). Tổng chiều dài tuyến đường khoảng 55,68km. Trên tuyến dự kiến 2 cầu vượt qua kênh thủy lợi tại Trạm bơm Liên Nghĩa, Trạm bơm Nghi Xuyên và cầu Nghi Xuyên phù hợp với quy mô qua sông, kênh thủy lợi. Cao độ thiết kế bảo đảm phù hợp với cao độ xây dựng khống chế trong quy hoạch; đồng thời xét đến các yếu tố hiện trạng, tự nhiên, tần suất lũ, các cao độ khống chế bởi các công trình ngầm, công trình nổi trên mặt đất. Đối với đoạn tuyến đi ngoài đê bảo đảm phòng, chống lũ ở mức báo động số 3 tuyến sông Hồng qua địa phận tỉnh Hưng Yên…
Ngay sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương có dự án đi qua khẩn trương thực hiện các bước tiếp theo nhằm sớm đưa dự án vào triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo các bộ, ngành có liên quan xem xét, thẩm định dự án. Đồng chí Trần Minh Hải, Giám đốc Sở GTVT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện nay, Sở GTVT đang tiến hành lựa chọn nhà thầu tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với Dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng. Quá trình triển khai lập báo cáo, căn cứ ý kiến đóng góp của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, sở sẽ phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương và đơn vị tư vấn tính toán sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng dự án; khả năng bảo đảm các yếu tố để thực hiện dự án như sử dụng tài nguyên, lựa chọn công nghệ thiết bị, yêu cầu trong khai thác, sử dụng, thời gian thực hiện, phương án giải phóng mặt bằng xây dựng… theo phương án thiết kế cơ sở được lựa chọn, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng.
Phạm Đăng