Đến với Văn Lâm, chúng ta không chỉ cảm nhận được sự sôi động, rộn ràng của huyện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… mà còn được khám phá nét văn hóa đặc sắc của một vùng đất có lịch sử lâu đời, có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng với nhiều giá trị tiêu biểu.
Tại thôn Ngọc Loan, xã Tân Quang (Văn Lâm), vào đầu năm 2022, người dân đã phát hiện ra 3 chiếc trống đồng. Theo nhận định ban đầu, đây là hiện vật thuộc thời kỳ Đông Sơn có niên đại cách ngày nay khoảng 2.000 năm. Đây là một trong những minh chứng khẳng định Hưng Yên nói chung, Văn Lâm nói riêng là một vùng đất có bề dày lịch sử, là nơi cư trú của người Đông Sơn…
Văn Lâm cũng là nơi lưu giữ được nhiều hiện vật, cổ vật có giá trị đặc sắc, trong đó có 3 bảo vật quốc gia, đó là Bia “Đại Bi Diên Minh tự bi” (còn được gọi là Bia đá chùa Đại Bi) đang được lưu giữ tại UBND xã Lạc Đạo. Bia được tạo tác thời Trần (năm 1327), triều Vua Trần Minh Tông. Đây là tấm bia đá cổ quý hiếm còn được lưu giữ đến ngày nay trên địa bàn tỉnh. Bia được làm bằng đá xanh nguyên khối, dạng khối hình chữ nhật dẹt: Chiều rộng 60cm; chiều cao 100cm, dày 11 cm. Bia có 2 mặt (mặt trước và mặt sau) bao gồm các phần: Trán bia và diềm bia. Tấm bia là một chứng tích về sự phát triển huy hoàng của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử, là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo, góp phần phản ánh trình độ mỹ thuật và kỹ thuật điêu khắc đá thời Trần đạt đến đỉnh cao. Về thăm chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, chúng ta không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm của một trong những ngôi chùa có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam mà còn được khám phá 2 bảo vật quốc gia đang được lưu giữ tại đây, đó là: Tượng sư tử đá chùa Hương Lãng (Niên đại: cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII) và hệ thống thành bậc đá chùa Hương Lãng (Niên đại cuối thế kỷ XI – đầu thế kỷ XII). Đây được đánh giá là các hiện vật độc bản, có hình thức độc đáo và giá trị đặc biệt tiêu biểu cho nền mỹ thuật thời Lý, hiện còn lưu giữ được ở nước ta.
Rời chùa Hương Lãng, đến dâng hương lễ Phật, chiêm bái ở chùa Thái Lạc (xã Lạc Hồng), du khách sẽ trầm trồ trước nghệ thuật điêu khắc trên gỗ tinh xảo của các bậc tiền nhân thời Trần tại đây. Chùa Thái Lạc được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2018. Nghệ thuật chạm khắc gỗ tại chùa mang tính điển hình cho nghệ thuật chạm gỗ sớm nhất ở Việt Nam, tập trung chủ yếu tại tòa Thượng điện.
Chùa Thái Lạc cũng là một trong những địa điểm diễn ra Lễ hội cầu mưa xã Lạc Hồng – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội cầu mưa hay còn gọi là lễ hội Tứ Pháp có từ lâu đời, là lễ hội mang đậm nét văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng, thể hiện mong ước chinh phục thiên nhiên, cầu mưa thuận gió hòa, cầu phồn vinh, vạn vật sinh sôi, nảy nở. Lễ hội tôn vinh những giá trị văn hóa, sức mạnh của cộng đồng và là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể, góp phần làm giàu và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Huyện Văn Lâm còn nổi tiếng với quần thể di tích lịch sử – kiến trúc nghệ thuật quốc gia làng Nôm (xã Đại Đồng), gồm: Đình Nôm, chùa Nôm, cầu đá, cổng làng, chợ Nôm, hệ thống các nhà thờ họ, từ đường, văn chỉ, giếng cổ, ao làng và các di vật tiêu biểu tại đình và chùa… Tất cả hòa quyện làm nên bức tranh làng quê yên bình, thân thuộc, an nhiên giữa biết bao nhộn nhịp của đời thường.
Tính đến tháng 6/2024, toàn huyện có 169 di tích được kiểm kê, trong đó có 37 di tích được xếp hạng các cấp (1 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt, 17 di tích xếp hạng quốc gia, 19 di tích xếp hạng cấp tỉnh). Những năm qua, nhiều di tích sử đã được trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa, trở thành điểm tựa, là hồn cốt, cội rễ góp phần tạo sức mạnh tinh thần cho huyện vững bước hòa vào sự phát triển sôi động của tỉnh. Năm 2023, 4 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 1 di tích xếp hạng quốc gia đặc biệt được tu bổ, chống xuống cấp bằng nguồn ngân sách huyện và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 3,8 tỷ đồng. Cùng với đó, hằng năm, Phòng Văn hóa và Thông tin tham mưu với UBND huyện ban hành quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích; tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật đối với thực hiện chế độ, chính sách, công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử – văn hóa; phối hợp với Ban Quản lý di tích tỉnh, UBND các xã, thị trấn cùng các Ban Quản lý di tích cơ sở thống kê, kiểm kê di vật, cổ vật; cử người trông nom và bảo quản di vật, cổ vật tại các di tích. Đối với các di vật, cổ vật có giá trị đưa vào danh mục hồ sơ kiểm kê của Ban Quản lý di tích tỉnh để có những biện pháp quản lý chặt chẽ theo luật định.
Việc phát huy giá trị di tích được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: Hướng dẫn tham quan tại các di tích; tổ chức các hoạt động, các sự kiện nhằm phát huy giá trị của di tích; khai thác giá trị các di tích phục vụ phát triển du lịch, trong đó tập trung phát triển loại hình du lịch tâm linh, du lịch văn hóa kết nối du lịch làng nghề và xây dựng một số sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu của huyện gắn với phát triển du lịch tâm linh, văn hóa… Đến nay, huyện đã xây dựng và hoàn thiện các tuyến du lịch: Đền Ghênh – chùa Nôm – làng Nôm – làng nghề đúc đồng Lộng Thượng; tuyến chùa Nôm – chùa Thái Lạc – làng hoa Ngọc Quỳnh; tuyến Nhà thờ Trạng nguyên Dương Phúc Tư – làng làm giò, chả Lạc Đạo – làng Nôm; tuyến chùa Nôm – làng đúc đồng Lộng Thượng – khu đô thị Ecopark; kết nối tuyến chùa Nôm – làng Nôm – Đền thờ Kinh Dương Vương (Thuận Thành, Bắc Ninh); tuyến chùa Nôm – chùa Chuông (thành phố Hưng Yên)… Đồng thời, UBND huyện tập trung chỉ đạo các phòng, ngành phối hợp tiếp tục xây dựng và khai thác thế mạnh của một số sản phẩm đã được chứng nhận thương hiệu, được công nhận đạt chuẩn OCOP, VietGAP và sản phẩm của các làng nghề truyền thống. Từ năm 2023 đến nay, huyện đã đón trên 100 nghìn lượt khách đến tham quan, vãn cảnh, lễ Phật, cầu an…
Thu Yến
Nguồn: https://baohungyen.vn/van-lam-bao-ton-va-phat-huy-cac-gia-tri-di-tich-lich-su-van-hoa-3175017.html