Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Trên địa bàn tỉnh bước đầu đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm chất lượng, sạch để cung cấp cho thị trường. Ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025; ứng dụng Webgis xây dựng bản đồ tra cứu thông tin các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực trên địa bàn tỉnh.
Cùng với những kết quả bước đầu trong ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp, hiện nay, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đang thực hiện ứng dụng công nghệ viễn thám để cung cấp bản đồ tuổi lúa và thống kê diện tích lúa của cấp huyện, xã theo chu kỳ tháng. Đến nay, ứng dụng công nghệ số trong trồng trọt đã được ứng dụng hệ thống tiêu chuẩn OTAS trong quản lý và cấp chứng nhận mã số vùng trồng cây ăn quả phục vụ xuất khẩu. Toàn tỉnh đã cấp 33 mã số vùng trồng cho các sản phẩm nhãn, vải; việc cấp mã số vùng tạo điều kiện để xuất khẩu sản phẩm nông sản của tỉnh sang các thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc…
Đến nay, trên hệ thống OTAS đang duy trì, vận hành 19 mã số vùng trồng nhãn, vải của tỉnh; các thông tin về mã số vùng trồng được chuẩn hóa đưa lên hệ thống, tiêu chuẩn OTAS và tích hợp bằng mã QR code in trên giấy chứng nhận mã số vùng trồng. Qua đó, các trường dữ liệu về vùng trồng đã được chuẩn hóa như: Tọa độ vùng trồng, hộ nông dân; tên thương mại, tên giống, tên khoa học, diện tích; tổng số cây, tổng số nông dân; sản lượng dự kiến; trường dữ liệu về các cá nhân, tổ chức tham gia cung ứng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón; các loại thuốc BVTV, phân bón đang được sử dụng tại vùng trồng; tình hình phun, sử dụng thuốc BVTV, phân bón; tình hình sinh vật gây hại tại vùng trồng…
Dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái cho cây ăn quả, lúa, hoa màu giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, tăng năng suất, hạn chế tồn dư thuốc BVTV trên nông sản khi thu hoạch. Dịch vụ phun thuốc bằng máy bay giúp tiết kiệm 30% thuốc và 90% lượng nước nhờ công nghệ phun sương và hệ thống vòi phun hiện đại. Một máy bay công suất gấp 28 lần nhân công lao động thủ công, chi phí thuê dịch vụ phun bằng máy cũng rẻ hơn so với thuê người phun xịt bằng tay. Áp dụng trồng rau, hoa trong nhà lưới bằng kỹ thuật thuỷ canh, canh tác trên giá thể không đất, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương. Áp dụng hệ thống tưới thông minh, tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp cho 3.700 héc-ta.
Một số mô hình chuyển đổi số tiêu biểu như vườn sản xuất hoa, cây cảnh công nghệ cao tại huyện Văn Giang ứng dụng công nghệ thông minh, tự động hóa vào theo dõi nhiệt độ trong mô hình nhà lưới. Mô hình nhà lưới, nhà màng và ao nuôi tại xã Hòa Phong (thị xã Mỹ Hào) có ứng dụng công nghệ tưới tự động, tưới nhỏ giọt cho các loại cây trồng như cà chua, dưa chuột, ớt và cây trồng thủy canh. Mô hình nhà màng trồng nho ở xã Dạ Trạch (Khoái Châu) có ứng dụng phầm mềm tưới tự động, điều khiển qua điện thoại có camera giám sát. Mô hình nhà màng trồng cây thủy canh ở xã Đồng Thanh (Kim Động) có ứng dụng cảm biến đo lường lượng nước tưới, camera giám sát, quạt thông gió phun nước nhỏ giọt. Yếu tố quyết định thành công của Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (Phù Cừ) là kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào, áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt để cung cấp các nguồn chất dinh dưỡng cho cây phát triển. Theo đó, hệ thống tưới nước có dinh dưỡng được cài đặt tự động theo nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng của cây. Nước chứa chất dinh dưỡng được tưới 8 – 10 lần mỗi ngày, mỗi lần 100 – 200ml, đều chính xác cho mỗi cây nên dưa phát triển đồng đều.
Đến năm 2025, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh phấn đấu xây dựng 15 – 20 mô hình ứng dụng Internet vạn vật (IoT) trong sản xuất trồng trọt và chăn nuôi, thuỷ sản và có 2 mô hình được ứng dụng phần mềm kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi. Phấn đấu có khoảng 10 – 15% diện tích lúa sử dụng thiết bị bay không người lái (Drone) trong chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Triển khai chuỗi cung ứng nông sản (nông sản chủ lực) trên nền tảng Blockchain để quản lý nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Ứng dụng các nền tảng công nghệ phục vụ truy xuất nguồn gốc nông sản đối với các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp như: Chuyển đổi số đồng bộ các ngành hàng nông nghiệp chủ lực, tập trung vào lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Xây dựng các mô hình áp dụng đồng bộ công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp cho các sản phẩm chủ lực phục vụ tham quan, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm cho người dân và doanh nghiệp. Xây dựng các phần mềm sổ tay điện tử ngành Nông nghiệp và PTNT (dạng app mobile) và kết nối cơ sở dữ liệu để giúp nhà quản lý, người dân, doanh nghiệp trong tỉnh tra cứu các quy trình kỹ thuật sản xuất, thủ tục hành chính, dự tính, dự báo và hướng dẫn phòng trừ sinh vật có hại đối với cây trồng, vật nuôi; kết nối thị trường vật tư nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm… cho cây trồng, vật nuôi chủ lực. Đẩy mạnh kết nối các bên tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp (người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung ứng, ngân hàng, bảo hiểm, tổ chức khoa học và công nghệ, hiệp hội, cơ quan quản lý). Kết nối, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Phổ biến nền tảng thanh toán số hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nông hộ và nông dân tham gia các hoạt động kinh tế nông nghiệp số; đẩy mạnh không dùng tiền mặt trong mua bán, trao đổi và kinh doanh nông sản.
Đào Ban