Với sự tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cũng như chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu, quyết định đầu tư, trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
7 tháng năm 2023, cùng với sự gia tăng của dòng vốn đầu tư FDI đăng ký mới, dòng vốn đầu tư FDI tăng thêm từ các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng có sự tăng trưởng mạnh, tỉnh đã thu hút 25 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 374,9 triệu USD, nâng tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh lên 526 dự án, với tổng số vốn đăng ký hơn 6,6 tỷ USD. Các dự án đầu tư nước ngoài tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác, công nghiệp nhẹ, các ngành sản xuất, kinh doanh khác… Các quốc gia có số dự án, vốn đầu tư lớn là: Nhật Bản có 170 dự án, Hàn Quốc có 148 dự án, Trung Quốc có 132 dự án. Các doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho trên 80.000 lao động.
Sự tham gia của doanh nghiệp FDI trong nhiều ngành, lĩnh vực, đặc biệt là sự tập trung vốn FDI trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và một số ngành công nghiệp mới là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng thêm năng lực cho ngành công nghiệp của tỉnh. Với việc triển khai hiệu quả các chính sách thu hút đầu tư của Chính phủ cũng như của tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh đã phát huy hiệu quả tốt.
Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội của tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng khu, cụm công nghiệp, góp phần quan trọng trong thu hút đầu tư. Năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều dự án trọng điểm thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, giai đoạn 2021-2025, trong đó nhiều dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp với các tuyến giao thông quốc gia, liên vùng, liên tỉnh. Hạ tầng khu, cụm công nghiệp, hạ tầng lưới điện… được triển khai nhanh, đồng bộ… 6 tháng đầu năm, tỉnh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư trên 356 héc-ta đất khu, cụm công nghiệp.
Triển khai thực hiện khâu đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Kết luận số 223-KL/TU ngày 24/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã mang lại hiệu quả tích cực. Công tác xúc tiến đầu tư tiếp tục được chú trọng thực hiện thông qua nhiều hoạt động, hình thức xúc tiến đa dạng. Tỉnh thực hiện thu hút đầu tư gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, tăng cường xúc tiến đầu tư hiệu quả, có chiều sâu. Từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp đón, làm việc với gần 20 lượt doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Để đón làn sóng đầu tư mới vào tỉnh, nhất là vào các khu công nghiệp (KCN), tỉnh đã và đang chuẩn bị các điều kiện cần thiết, tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng các KCN, tăng cường tính cạnh tranh, sức hấp dẫn trong việc thu hút, xúc tiến đầu tư. Đồng chí Phạm Trường Tam, Trưởng ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Ban Quản lý các KCN tỉnh hiện đang quản lý 17 KCN được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, có 8 KCN đã đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, 2 KCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng và chuẩn bị tiếp nhận dự án đầu tư; 7 KCN đang trong quá trình triển khai… Các KCN thu hút 287 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký trên 5,6 tỷ USD. Thời gian qua, Ban Quản lý các KCN tỉnh đa dạng hóa phương thức xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức; xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, tham gia hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, trong nước và nước ngoài. Công tác thẩm tra, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được thực hiện đúng quy định của pháp luật, thời gian được rút ngắn tối đa. Các KCN đang hoạt động với việc chuẩn bị hạ tầng, mặt bằng sạch bảo đảm để chuẩn bị đón dự án đầu tư mới, các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, khả năng cạnh tranh thị trường quốc tế. Đồng thời, ban quản lý thường xuyên nắm bắt, rà soát để phân loại dự án đầu tư, từ đó đưa ra các phương án tháo gỡ khó khăn.
Cùng với việc triển khai tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ đối với các nhà đầu tư đã và đang đầu tư trên địa bàn, tỉnh đã chủ động tiếp cận, tìm hiểu, hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn, công nghệ cao hoặc vận hành các chuỗi giá trị trong nước, nước ngoài; ưu tiên nghiên cứu tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Cùng với đó, xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư. Cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; rà soát chính sách, các thủ tục quy định liên quan đến thu hút đầu tư; đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; xây dựng tiêu chí, danh mục dự án thu hút đầu tư trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, xác định các nhà đầu tư chiến lược, dự án động lực, dự án lan tỏa để phát huy lợi thế cạnh tranh…
Phạm Đăng