Ca trù là loại hình nghệ thuật độc đáo, có giá trị đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam, Năm 2009, ca trù được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Với tính cấp thiết đó, những năm qua, tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị của môn nghệ thuật này, trong đó chú trọng việc truyền dạy kỹ thuật hát ca trù.
Theo kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể năm 2022 – 2023 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 48 người đang thực hành hát ca trù; số người có khả năng truyền dạy là 11 người và hàng chục người đang theo học. Điểm sáng trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật ca trù của tỉnh là Câu lạc bộ Ca trù Giáo Phòng (Văn Giang) và Câu lạc bộ Ca trù Đào Đặng (thành phố Hưng Yên). Đây là hai câu lạc bộ có hoạt động tích cực trong thực hành và truyền dạy loại hình nghệ thuật hát ca trù; có các nghệ nhân lão thành làm nòng cốt, có thể thực hiện công tác truyền dạy, bồi dưỡng kỹ năng đàn, hát ca trù cho các thành viên trong câu lạc bộ và cho các cá nhân yêu mến ca trù. Từ năm 2013 đến nay, hai câu lạc bộ đã phối hợp mở lớp truyền dạy những kỹ năng: Đàn, hát, phách, trống chầu… thu hút nhiều người tham gia. Ngoài hai câu lạc bộ nêu trên, tại thôn Thiết Trụ, xã Bình Minh; xã Hàm Tử; xã Đại Hưng (Khoái Châu) và thôn Nội Lăng, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ)… có những cá nhân thực hành nghệ thuật hát ca trù.
Đồng chí Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, loại hình hát ca trù, được coi là môn “nghệ thuật bác học”, kén người nghe, kén người hát. Trước nguy cơ mai một của loại hình nghệ thuật này, từ nhiều năm nay, mỗi năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều tổ chức 1 lớp truyền dạy hát ca trù (Trung bình 50 học viên/lớp) tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, thực tế là số nghệ nhân ngày càng ít đi vì lý do sức khỏe, có người đã qua đời; những người có khả năng thực hành nhuần nhuyễn đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, trong khi tìm kiếm được một ca nương trẻ tuổi để kế cận là rất khó khăn. Do đó mong muốn thông qua các lớp truyền dạy, các học viên tích cực ôn luyện, thực hành và lan tỏa tình yêu, truyền dạy nghệ thuật ca trù tới gia đình, cộng đồng.
Nghệ nhân Nhân dân ca trù Đỗ Thị Thanh Nhàn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Đào Đặng chia sẻ, xuất phát từ niềm yêu thích ca trù, tình yêu đó lớn dần lên qua việc tìm hiểu về nghệ thuật ca trù, thực hành hát ca trù, qua đó trang bị cho bản thân những hiểu biết về ca trù. Bắt đầu từ năm 2012, bà dồn tâm huyết cho việc trao truyền, lan tỏa nghệ thuật hát ca trù, cùng với nghệ nhân ưu tú Bùi Xuân Thể khôi phụcloại hình nghệ thuật ca trù tại địa phương. Được sự quan tâm của các cấp, ngành và đặc biệt là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tạo điều kiện để ca trù có không gian phát triển. Từ nhiều năm nay bà được mời tham gia truyền dạy tại các lớp truyền dạy hát ca trù được tổ chức tại các địa phương trong tỉnh, qua đó giúp cho tình yêu nghệ thuật hát ca trù ngấm dần vào đời sống tinh thần của Nhân dân.
Có một tín hiệu vui là thông qua các lớp truyền dạy hát ca trù do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hằng năm đã thu hút được nhiều người dân quan tâm, tham gia. Bà Hoàng Thị Lan ở Thị trấn Trần Cao (Phù Cừ) cho biết: “Tôi đam mê môn nghệ thuật này từ bé nhưng không có điều kiện theo học. Được biết Sở Văn hóa, thể Thao và Du lịch mở các lớp truyền dạy hát ca trù, tôi đã tham gia được 2 lớp, qua đó tôi được các nghệ nhân truyền dạy những kiến thức cơ bản, thấy được cái hay, cái đẹp, giá trị của nghệ thuật ca trù cũng như các làn điệu ca trù, kỹ thuật, kỹ năng thực hành hát ca trù, nhờ đó bản thân tôi được thỏa đam mê và tình yêu với ca trù ngày càng lớn dần lên. Với lợi thế là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống của huyện, tôi có điều kiện thuận lợi hơn để trao truyền tình yêu cũng như truyền dạy, lan tỏa nghệ thuật ca trù tới các thành viên trong câu lạc bộ”.
Để bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian nói chung và nghệ thuật ca trù nói riêng, thời gian tới các cấp, ngành chức cần tập trung vào một số giải pháp: Sưu tầm, tài liệu hóa, tư liệu hóa các loại hình trình diễn dân gian dưới hình thức ghi chép, hoặc bằng các tài liệu nghe nhìn hiện đại (Ảnh, băng ghi âm, ghi hình, đĩa CD, DVD, CD-ROM…); có chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp và thỏa đáng đối với những nghệ nhân, những người đang nắm giữ kỹ thuật, kỹ năng của các loại hình trình diễn dân gian truyền thống; có những giải pháp thiết thực và hiệu quả để giúp đỡ các câu lạc bộ, đặc biệt là trong khâu tổ chức truyền dạy; tạo điều kiện để các loại hình trình diễn dân gian truyền thống được trình diễn, thực hành cho Nhân dân xem, hiểu và biết đặc biệt là giới trẻ…
Đức Hùng