Ngày 23/12/2024, đồng chí Đại tướng Nguyễn Quyết, người con của xã Chính Nghĩa (Kim Động), nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã từ trần. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Quyết là một cán bộ, đảng viên tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, luôn đặt lợi ích chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Với quê hương, ông là người đặt “viên gạch hồng” đầu tiên thành lập tổ chức Đảng ở thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa (Kim Động), là một trong những người đầu tiên sáng lập tờ báo Bãi Sậy, đánh dấu Hưng Yên trở thành tỉnh sớm có tờ báo cách mạng.
Nghe tin Đại tướng Nguyễn Quyết, người con ưu tú của quê hương từ trần, cán bộ, đảng viên Đảng bộ xã Chính Nghĩa không khỏi bồi hồi. Những tư liệu lịch sử, ký ức về Đại tướng Nguyễn Quyết được đảng viên, Nhân dân địa phương nhắc nhớ nhiều hơn. Vừa dẫn đoàn cán bộ, đảng viên, Nhân dân xã Chính Nghĩa đi viếng Đại tướng Nguyễn Quyết tại thành phố Hà Nội trở về, đồng chí Nguyễn Trọng Hưng, Bí thư Đảng ủy xã Chính Nghĩa (Kim Động) xúc động cho biết: Tôi ít có cơ hội trực tiếp gặp Đại tướng Nguyễn Quyết. Năm 2008, khi đang là Trưởng ban Tuyên giáo – Dân vận của xã, tôi được tham gia sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Đảng bộ và Nhân dân xã Chính Nghĩa (1930 – 2005) nên biết nhiều tư liệu về Đại tướng. Theo các tài liệu ghi chép lại, tháng 6/1942, cấp trên điều đồng chí Nguyễn Quyết từ Hà Nội về Hưng Yên củng cố và xây dựng lại phong trào. Tháng 6/1942, Chi bộ ghép Dưỡng Phú – Tiên Cầu thành lập, đồng chí Nguyễn Quyết được cử làm Bí thư. Tháng 2/1943, được sự đồng ý của Xứ ủy Bắc Kỳ, Chi bộ Dưỡng Phú – Tiên Cầu phát triển mạnh nên được tách thành 2 chi bộ để hoạt động hiệu quả hơn; đồng chí Nguyễn Quyết khi đó được cử làm Bí thư Chi bộ Dưỡng Phú. Thời kỳ này, các đảng viên và quần chúng cách mạng tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền đường lối của Đảng, chủ nghĩa Mác – Lênin và các phong trào đấu tranh chống phá âm mưu thâm độc của kẻ thù. Tháng 8/1943, Xứ ủy điều động đồng chí Nguyễn Quyết về bổ sung cho Ban cán sự Đảng ở Hà Nội, sau đó đồng chí được Xứ ủy Bắc Kỳ và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, Đại tướng Nguyễn Quyết luôn được phân công phụ trách những vị trí chiến lược: Thủ đô Hà Nội, Liên khu 5, Quân khu 3, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam… Trải qua nhiều cương vị công tác, đồng chí đóng góp vào hầu hết các giai đoạn đặc biệt của lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ghi nhận những cống hiến to lớn của Đại tướng Nguyễn Quyết, Đảng, Nhà nước đã tặng ông Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 85 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
Suốt chiều dài lịch sử hình thành, lớn mạnh cùng với phong trào cách mạng của đất nước, từ Chi bộ ghép Dưỡng Phú – Tiên Cầu và nay là Đảng bộ xã Chính Nghĩa, các thế hệ đảng viên Đảng bộ xã Chính Nghĩa luôn tiên phong, gương mẫu, đoàn kết, xây dựng Đảng bộ ngày càng vững mạnh. Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Quân, ở thôn Dưỡng Phú (xã Chính Nghĩa), cháu của Đại tướng Nguyễn Quyết cho biết: Cụ Nguyễn Quyết là người của công việc, nhưng sống tình cảm, giản dị. Cụ được đồng nghiệp, dân làng nể trọng vì sự liêm khiết, không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giúp đỡ người thân, họ hàng nếu người đó không có năng lực, trình độ, phẩm chất tốt.
Tháng 3/1943, quán triệt tinh thần Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phát huy giá trị Đề cương văn hóa Việt Nam, đồng chí Trần Thị Minh Châu (Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh) cùng các đồng chí: Nguyễn Quyết (tức Đại tướng Nguyễn Quyết), Chu Văn Tập (tức nhà văn Học Phi) đã thống nhất việc ra đời tờ báo cách mạng của tỉnh. Từ ý tưởng, nỗ lực vận động, tâm huyết của những người sáng lập, được sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Ban cán sự Đảng tỉnh, tháng 6/1943, tờ Báo Bãi Sậy do đồng chí Trần Thị Minh Châu chịu trách nhiệm chính về biên tập, xuất bản đã ra số đầu và được lưu hành rộng rãi trong tỉnh. Tên báo Bãi Sậy có ý nghĩa như một quyết tâm tiếp lửa, thổi bùng ngọn lửa và phát huy lên một bước mới truyền thống yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, bền bỉ của vùng đất, con người Hưng Yên trước nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ. Từ những số báo đầu tiên, trong đó có vai trò “đặt nền móng” của Đại tướng Nguyễn Quyết, với muôn vàn khó khăn khi phải hoạt động bí mật, kẻ thù lùng sục, truy bắt ráo riết, không có giấy, mực, nhà in, kinh phí… Song với tâm huyết và quyết tâm của những người cách mạng, sự che chở, đùm bọc, ủng hộ của Nhân dân, ngay từ những số báo đầu tiên được phát hành đã là sản phẩm có chất lượng, tạo hiệu ứng tốt, có tác động to lớn đến phong trào đấu tranh cách mạng ở tỉnh. Chính quyền thực dân phong kiến vô cùng lo sợ, tìm mọi cách chống phá cơ sở in báo. Báo Bãi Sậy khi ấy gần như vẫn duy trì mỗi tháng ra một số… Phát huy truyền thống, hơn 81 năm qua Báo Hưng Yên không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển tư tưởng văn hóa, phát huy truyền thống đất và người Hưng Yên văn hiến, cách mạng, được lãnh đạo tỉnh và bạn đọc đánh giá cao.
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động Báo Hưng Yên luôn hiểu, trân trọng, biết ơn người có công sáng lập ra tờ báo – Đại tướng Nguyễn Quyết. Noi gương Đại tướng, những người làm Báo Hưng Yên sẽ không ngừng học tập, lao động, đổi mới sáng tạo; Báo Hưng Yên sẽ làm tốt hơn nữa vai trò là cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Hưng Yên, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Yên, góp sức cùng quê hương, đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
PV
Nguồn: https://baohungyen.vn/tran-trong-nho-on-dai-tuong-nguyen-quyet-3178173.html