Ngày 13/9, đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên dẫn đầu đoàn đại biểu tỉnh tham dự Diễn đàn xúc tiến đầu tư Việt Nam-Nhật Bản diễn ra tại Thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp (JCCI), Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) chủ trì, phối hợp với Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI), Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Trung tâm ASEAN-Nhật Bản (AJC) đồng tổ chức. Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Phạm Quang Hiệu, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản; Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cùng nhiều doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại hai nước…
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Kakihara Atsuko, Đồng Chủ tịch Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản-Mê kông, JCCI đánh giá, diễn đàn là cơ hội tốt để các nhà đầu tư Nhật Bản có thể tiếp cận, cập nhật các thông tin hữu ích về tình hình kinh tế, thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam nói chung và trực tiếp nhất là đại diện các địa phương đang mong muốn kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến hợp tác. Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới và khu vực, trong khi tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước vẫn còn rất lớn. Bà Kakihara mong muốn, với nền tảng quan hệ hữu nghị hai nước đang phát triển rất tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực như hiện nay, hoạt động hợp tác đầu tư giữa hai nước sẽ còn được thúc đẩy mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Phát biểu tại diễn đàn, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, năm 2023, hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại song phương. Việt Nam đang là điểm đến hàng đầu của các doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và các nhà đầu tư Nhật Bản đang đặt nhiều niềm tin vào Việt Nam, cũng như triển vọng lợi nhuận kinh doanh tại Việt Nam sau đại dịch COVID-19.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã trình bày về cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh như: Xu hướng và nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam trong thời gian tới; tổng quan về kinh tế Việt Nam và các tỉnh tham dự diễn đàn. Ngoài ra, còn có sự giới thiệu và trực tiếp giải đáp thắc mắc của lãnh đạo các tỉnh Hưng Yên, Sóc Trăng, Long An với các doanh nghiệp Nhật Bản có ý định đầu tư vào địa phương.
Phát biểu tại diễn đàn, đồng chí Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh Hưng Yên ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cũng là trung tâm kinh tế năng động và là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Lãnh đạo tỉnh xác định chủ trương tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững và là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, đưa Hưng Yên trở thành một trong những tỉnh có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước, có các khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ lớn, hiện đại; phát triển công nghiệp theo chiều sâu trên cơ sở thu hút đầu tư có chọn lọc các lĩnh vực công nghệ cao, thân thiện với môi trường; phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Hiện tại, tỉnh Hưng Yên đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương quy hoạch phát triển 17 khu công nghiệp (KCN) với diện tích 4.395,43 héc-ta; trong đó, 11 KCN được chấp thuận Chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích 2.873,38 héc-ta; tổng vốn đầu tư đăng ký 14.395 tỷ đồng và 397,7 triệu USD.
Những năm qua, tỉnh Hưng Yên đã đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào tỉnh là 516 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 6.313 triệu USD, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau như Nhật Bản, Hoa Kỳ… Trong đó, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đứng số 1 về số dự án với 173 dự án và tổng vốn đăng ký 4.054 triệu USD trong đó, bao gồm: trong KCN có 141 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.496 triệu USD và 2 dự án hạ tầng KCN với tổng vốn đầu tư đăng ký là 335 triệu USD; ngoài KCN có 29 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 223 triệu USD… Hiện có 169 dự án FDI của Nhật Bản đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư thực hiện khoảng 3.258 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động, đóng góp ngân sách nhà nước năm 2022 là khoảng 1.407 tỷ đồng, tương đương 45,5 triệu USD.
Tỉnh Hưng Yên coi trọng và kêu gọi các nhà đầu tư từ Nhật Bản, đặc biệt là các tập đoàn lớn nghiên cứu hợp tác đầu tư các lĩnh vực có thế mạnh và tỉnh Hưng Yên có lợi thế cạnh tranh vượt trội và có nhu cầu phát triển như ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; kết cấu hạ tầng, đô thị thông minh; phát triển nông nghiệp hiện đại; khu công nghiệp; phát triển hạ tầng logistics; tài chính, ngân hàng…
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn nhấn mạnh, ngoài vị trí địa lý, hạ tầng phát triển, giao thông thuận lợi, nguồn lực sẵn có tại địa phương, Chính quyền tỉnh mong muốn hợp tác và huy động nguồn lực từ bên ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Vì thế, tỉnh luôn chào đón các nhà đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu và đầu tư tại Hưng Yên.
Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác tại Nhật Bản, trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sumitomo về những dự án đầu tư, hợp tác của doanh nghiệp này tại tỉnh Hưng Yên.
Phạm Tuân Phóng viên TTXVN tại Tokyo (Nhật Bản)