Ngày 12/9, tại Trụ sở HĐND – UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND (Luật Hoạt động giám sát). Đồng chí Lê Xuân Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số hội đồng của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội…
Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016.
Qua 7 năm triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát, với sự nỗ lực, cố gắng và đổi mới hoạt động, hoạt động giám sát HĐND các cấp trong tỉnh có nhiều sự chuyển biến rõ rệt. Hoạt động giám sát có trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế-xã hội, thu, chi ngân sách, thực hiện nghị quyết của HĐND, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, khó khăn, chậm chuyển biến và những vấn đề dân sinh…
Từ khi Luật Hoạt động giám sát có hiệu lực đến nay, HĐND các cấp trong tỉnh đã thảo luận, xem xét trên 25 nghìn báo cáo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp, bảo đảm đúng nội dung, trình tự theo quy định; tổ chức 801 cuộc giám sát chuyên đề. Hoạt động xem xét việc trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND có nhiều đổi mới, ngày càng chất lượng, nhất là tại HĐND cấp tỉnh.
Hằng năm, Thường trực HĐND các cấp xây dựng chương trình giám sát tổng thể của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu HĐND. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND chỉ đạo, điều hòa, phối hợp tổ chức chương trình giám sát bảo đảm chất lượng, thời gian, hiệu quả. Từ khi Luật Hoạt động giám sát có hiệu lực đến nay, Thường trực HĐND các cấp trong tỉnh đã tổ chức 1.899 cuộc giám sát chuyên đề, qua giám sát đã có trên 5.900 ý kiến, kiến nghị, đề xuất trên các lĩnh vực chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Hoạt động giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được Thường trực HĐND các cấp chú trọng. Các Ban của HĐND các cấp đã tiến hành thẩm tra gần 14 nghìn báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết được trình tại các kỳ họp HĐND các cấp. Trong hoạt động chất vấn, giám sát quyết định của UBND cùng cấp và nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp, giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương và việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được các đại biểu và Tổ đại biểu HĐND các cấp quan tâm, thực hiện có trách nhiệm.
Bên cạnh các kết quả đạt được, việc thi hành Luật Hoạt động giám sát trên địa bàn tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế như: Sự phối hợp trong hoạt động giám sát của HĐND các cấp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, một số nội dung còn trùng lặp. Một số điều kiện cần thiết bảo đảm cho hoạt động giám sát của HĐND chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là ở địa phương, cơ sở; tổ chức bộ máy, chất lượng tham mưu, phục vụ HĐND các cấp còn gặp một số khó khăn; chưa có chính sách ưu đãi đối với cán bộ chuyên trách và cán bộ giúp việc làm việc ở cơ quan dân cử…
Tại hội nghị các đại biểu đã tham luận, cùng trao đổi tập trung chia sẻ những kinh nghiệm giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát theo quy định của Luật, trong đó nhấn mạnh các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát như: Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp của MTTQ Việt Nam tỉnh với HĐND tỉnh trong hoạt động giám sát của HĐND tỉnh; kiến nghị xem xét đưa các nội dung cụ thể hóa hướng dẫn hoạt động giám sát tại các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào trong Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát nhằm tạo tính pháp lý và sự đồng bộ, thống nhất trong thực hiện; ban hành thống nhất trong toàn quốc quy định khung về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của HĐND các cấp và quy định chức danh Trưởng các Ban của HĐND tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách; đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương, hướng dẫn cụ thể hơn về việc cơ cấu cấp ủy đảm nhiệm các chức vụ Thường trực HĐND tỉnh, bảo đảm thống nhất giữa các địa phương và tăng số lượng cấp ủy trong thành viên Thường trực HĐND tỉnh…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Xuân Tiến khẳng định: những kết quả hoạt động giám sát của HĐND các cấp trong tỉnh đã có tác động mạnh mẽ trong chỉ đạo điều hành của các cơ quan hữu quan, góp phần cùng hệ thống chính trị thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kinh tế – xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn hoạt động giám sát của HĐND các cấp theo quy định, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố cần bám sát chủ trương, định hướng lãnh đạo của cấp ủy, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của HÐND nói chung, hoạt động giám sát nói riêng; lựa chọn nội dung để xây dựng và ban hành nghị quyết về chương trình giám sát hằng năm cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND các cấp nhất là hoạt động giám sát…
Phương Minh