Xác định kinh tế tập thể có vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại địa phương, những năm qua, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động) luôn chú trọng thực hiện các giải pháp phát triển mô hình kinh tế HTX. Đồng chí Nguyễn Đức Kiên, Chủ tịch UBND xã Phạm Ngũ Lão cho biết: Để phát triển mô hình HTX, cùng với tuyên truyền, xã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện cho người dân phát triển, mở rộng sản xuất… Đến nay, xã thành lập được 5 HTX. Các HTX hoạt động hiệu quả, doanh thu trung bình của 1 HTX đạt từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng và tạo việc làm cho 100 lao động trong xã. Hiệu quả hoạt động của các HTX góp phần tăng thu nhập cho thành viên, tạo việc làm cho người lao động và hoàn thành tiêu chí 13 trong xây dựng NTM. Năm 2022, thu nhập của người dân trong xã đạt bình quân trên 66,8 triệu đồng/người.
Không chỉ liên kết sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, các HTX còn chú trọng tham gia Chương trình OCOP nhằm phát huy thế mạnh của địa phương, khẳng định thương hiệu sản phẩm. Ông Nguyễn Quốc Chữ, Giám đốc HTX nấm Thành Yên, xã Trung Dũng (Tiên Lữ) cho biết: Từ khi HTX được đơn vị chức năng giúp đỡ hoàn thiện sản phẩm OCOP, đồng thời được hỗ trợ tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh, đến nay, sản lượng nấm các loại và thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX đã được mở rộng. HTX hiện có 4 sản phẩm được chứng nhận đạt sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục tập trung quảng bá sản phẩm, đồng thời chú trọng thực hiện các biện pháp giữ vững và nâng cao chất lượng sản phẩm…
Đối với các HTX phi nông nghiệp, mặc dù số lượng không nhiều, song các HTX đều hoạt động ổn định và hiệu quả, kinh doanh có lãi. Các HTX trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải đã quan tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường mới, khơi dậy nguồn lực trong thành viên HTX. Các quỹ tín dụng nhân dân hoạt động tuân thủ pháp luật, là kênh dẫn vốn hữu ích cho thành viên, nông dân trong phát triển kinh tế.
Để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các HTX và luôn tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển. Theo đó, giai đoạn 2021-2023, Chi cục Phát triển nông thôn đã tổ chức 40 lớp bồi dưỡng kiến thức cho 1.840 học viên; hỗ trợ cho 53 HTX nông nghiệp thành lập mới một phần kinh phí mua sắm máy, thiết bị phục vụ quản lý, điều hành của HTX và xây dựng hạ tầng cơ sở, mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, kinh doanh, tổng kinh phí trên 8,7 tỷ đồng… Đến nay, toàn tỉnh có gần 480 HTX đang hoạt động. Riêng lĩnh vực nông nghiệp có 374 HTX, tăng 56 HTX so với năm 2020 (đạt 70% mục tiêu giai đoạn 2021-2025). Tổng số thành viên HTX nông nghiệp đạt trên 9,1 nghìn người; tổng doanh thu các HTX nông nghiệp đạt 635,3 tỷ đồng, tăng 190,1 tỷ đồng so với năm 2020; lợi nhuận bình quân 1 HTX nông nghiệp đạt 267 triệu đồng, tăng 86 triệu đồng so với năm 2020. Từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 33 HTX tham gia đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó 77 sản phẩm được công nhận xếp hạng 3 sao; 23 sản phẩm được công nhận xếp hạng 4 sao, 1 sản phẩm đề xuất tiềm năng 5 sao. Đến nay, 120/139 xã đạt tiêu chí HTX trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Với mục tiêu phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX; tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực đối với cán bộ quản lý, thành viên HTX. Cùng với đó, hướng dẫn các HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tham gia chương trình OCOP. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ phát triển HTX… Phấn đấu đến hết năm 2025, số HTX xếp loại khá, tốt trên địa bàn tỉnh chiếm 60% – 70%; 50% HTX nông nghiệp liên kết theo chuỗi…
PV