Ngày 27/7, sau khi Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi là Đề án 06) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 (Báo cáo số 220-BC/BCSĐ ngày 14/7/2023) và ý kiến tham gia tại phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có ý kiến như sau:
1. Kết quả đạt được
Thời gian qua, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao Công an tỉnh, các cấp, các ngành, đoàn thể trong tỉnh triển khai quyết liệt nội dung của Đề án 06, quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và đạt được một số kết quả tích cực bước đầu. Ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện kiểm tra, giám sát triển khai Đề án 06; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đảng viên, cán bộ, công chức và Nhân dân nâng cao nhận thức và tích cực tham gia thực hiện phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số; bố trí nguồn lực và tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị để phục vụ triển khai Đề án 06; xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thông minh IOC; đẩy mạnh cung cấp thông tin thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại; tích hợp dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia; đã triển khai 23/25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06; tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận, sử dụng dịch vụ công có chất lượng tốt hơn, thuận lợi, nhanh chóng hơn; triển khai được một số dịch vụ công, thủ tục hành chính liên thông; bước đầu số hóa hồ kết quả giải quyết thủ tục hành chính và tái cấu trúc, xây dựng quy trình giải quyết thống nhất đối với một số thủ tục hành chính; đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; thiết lập và xây dựng Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường sử dụng dữ liệu dân cư, thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám chữa bệnh, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, chi trả trợ cấp xã hội. Hưng Yên là 1 trong 3 tỉnh hoàn thành chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp (100% công dân đủ điều kiện) do Bộ Công an giao; là địa phương đứng đầu cả nước về hoàn thành chỉ tiêu kích hoạt định danh điện tử do Bộ Công an giao và là 1 trong 13 địa phương kết nối với Hệ thống định danh điện tử của Bộ Công an;…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 06 còn một số tồn tại, hạn chế: Một số nhiệm vụ theo Đề án 06 còn chậm triển khai so với lộ trình, kế hoạch đề ra; một số cấp ủy, chính quyền, sở, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp còn chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng và nhiệm vụ của mình nên chưa tích cực tham gia; sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương còn chưa chặt chẽ; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến, tỷ lệ số hóa hồ sơ kết quả thủ tục hành chính của một số đơn vị, địa phương còn thấp; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; đường truyền, hạ tầng Internet chưa bảo đảm ổn định; một số phần mềm chức năng chưa hoàn thiện; thiếu trang thiết bị, máy móc, hạ tầng công nghệ phục vụ số hóa; thanh toán phí, lệ phí qua Cổng dịch vụ công quốc gia còn mất nhiều thời gian; lực lượng cán bộ thực hiện Đề án chưa bảo đảm về số lượng và trình độ, chưa được đào tạo bài bản, trang bị đủ kiến thức về công nghệ thông tin; nhiều người dân còn hạn chế về kỹ năng số và chưa quen sử dụng các dịch công trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến; dữ liệu chuyên ngành của các sở, ngành chưa thống nhất với dữ liệu dân cư; quy trình, thao tác trên các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến chưa thuận lợi cho người sử dụng; mức độ khai thác, sử dụng dữ liệu về dân cư và sử dụng thẻ CCCD gắn chíp trong các dịch vụ công và các ứng dụng của đời sống xã hội còn thấp;…
Những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan, khách quan, song nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
2. Để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 bảo đảm đúng tiến độ, có hiệu quả trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động thường xuyên cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và Nhân dân nâng cao nhận thức về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số, giải quyết thủ tục hành chính và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng tài khoản định danh điện tử và thẻ CCCD gắn chíp; lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung của Đề án 06, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và Chỉ thị số 45-CT/TU ngày 03/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
– Các cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành, địa phương và người đứng đầu cần chỉ đạo rà soát, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TU ngày 03/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các kế hoạch, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về triển khai Đề án 06, trong đó xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình thực hiện, phân công trách nhiệm rõ ràng, thời hạn hoàn thành và kết quả đạt được (hoàn thành chậm nhất ngày 15/8/2023), đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị và địa phương trong việc triển khai Đề án 06, nhất là xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
– Chủ động đẩy mạnh rà soát, đánh giá toàn bộ quy trình nghiệp vụ của các cơ quan, đơn vị; tái cơ cấu, chuẩn hóa các quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và các danh mục tài liệu, hồ sơ trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính theo hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc sử dụng định danh và xác thực điện tử; thực hiện hoàn thành tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh theo nguyên tắc không yêu cầu công dân khai báo lại thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
– Tăng cường công khai và hỗ trợ, hướng dẫn công dân tại Bộ phận một cửa hoặc trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính về các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết thủ tục hành chính, sử dụng dịch vụ công trực tuyến thuận lợi.
– Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công của Bộ Công an gắn với tăng cường cải cách hành chính. Đổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hoạt động Bộ phận một cửa các cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, nhất là ở cấp huyện, cấp xã.
– Tập trung hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, hệ thống thông tin cung cấp dịch vụ công của địa phương đã có để làm sạch, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính phục vụ người dân chính xác, nhanh chóng, thuận tiện.
– Đẩy nhanh tiến độ thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, nhất là cấp huyện, cấp xã theo lộ trình của Chính phủ giao. Phải xác định rõ và thực hiện nghiêm túc lộ trình số hóa dữ liệu chuyên ngành của các sở, ngành có liên quan, nhất là tư pháp; tài nguyên, môi trường; lao động, thương binh, xã hội; giáo dục, y tế;… bảo đảm tích hợp, kết nối liên thông, nhất là với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
– Đẩy mạnh mở tài khoản cá nhân tại ngân hàng gắn với mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là thu phí, lệ phí và chi trả tiền trợ cấp, an sinh xã hội.
– Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân tỉnh, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh và các cấp cấp ủy, chính quyền quan tâm bố trí, bảo đảm đủ nhân lực, kinh phí để triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ của Đề án 06 theo đúng kế hoạch, lộ trình, nhất là máy móc, trang thiết bị công nghệ phục vụ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các Bộ phận một cửa ở cấp huyện, cấp xã; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhất là cán bộ tham gia trực tiếp triển khai Đề án 06, đồng thời thường xuyên tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho các bộ làm việc tại các Bộ phận một cửa, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở các cấp về quy trình số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.
– Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh chỉ đạo các đoàn viên, hội viên tiên phong, đi đầu trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân và thực hiện sử dụng dịch vụ công trực tuyến; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ các đối tượng có điều kiện khó khăn được trang bị phương tiện để tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
– Công an tỉnh phát huy vai trò, trách nhiệm là cơ quan thường trực của Tổ công tác triển khai Đề án 06 của tỉnh, chủ động phối hợp chẽ với các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai Đề án 06; liên tục cập nhật, hoàn thiện, bảo đảm dữ liệu dân cư “đúng”, “đủ”, “sạch”, “sống”; thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện vấn đề khó khăn, vướng mắc để tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời.
Đối với các kiến nghị, đề xuất để xử lý khó khăn, vướng mắc, đề nghị Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.
3. Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chủ trì, phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 45-CT/TU ngày 03/5/2023 và Thông báo này; định kỳ hàng quý báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện Đề án 06.