Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thành phố Hưng Yên đã khắc phục những khó khăn, hạn chế, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đề ra. Trong đó, nhiều chỉ tiêu trong phát triển kinh tế đạt cao, nhất là đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, phát triển thương mại, dịch vụ.
Theo đánh giá của thành phố Hưng Yên, từ năm 2020 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố bình quân đạt 11,5%/năm (mục tiêu là 10,5%). Các lĩnh vực sản xuất đều đạt và vượt mục tiêu đề ra như: Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng 3%; giá trị sản xuất công nghiệp – xây dựng tăng 10,4%; giá trị thương mại – dịch vụ tăng 10,8%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 đạt 3.083 tỷ đồng (mục tiêu đến năm 2025 đạt khoảng 2.754 tỷ đồng). Tỉ lệ hộ nghèo còn 0,81%, hộ cận nghèo còn 0,98% (mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu dưới 1%). Tỉ lệ đô thị hóa của thành phố đạt 52%, hiện nay thành phố đang hoàn thiện các bước để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án thành lập các phường trên cơ sở 5 xã: Bảo Khê, Trung Nghĩa, Liên Phương, Quảng Châu và Phú Cường. Hiện nay, thành phố đã trình tỉnh phê duyệt một số đồ án quy hoạch Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Hưng Yên đến năm 2035 và xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc đô thị thành phố Hưng Yên, tiến tới phát triển đô thị theo đúng kiến trúc, bảo đảm mỹ quan, hiện đại và tính bền vững. Để hoàn thiện hạ tầng đô thị, tổng số vốn theo kế hoạch đầu tư công năm 2023 trên địa bàn thành phố là hơn 347,8 tỷ đồng, với 40 công trình, bao gồm các dự án sử dụng ngân sách của tỉnh và các dự án sử dụng ngân sách của thành phố.
Đồng chí Lương Công Chanh, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hưng Yên cho biết: Ban Thường vụ Thành ủy đã sớm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương. Trong phát triển kinh tế, tập trung khai thác các tiềm năng, lợi thế của thành phố, nhất là thương mại, dịch vụ, du lịch… Nhờ đó cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng nghị quyết đại hội, hình thành và phát triển thêm nhiều tuyến phố sầm uất, giao thương sôi động, nâng cao đời sống cho Nhân dân và làm đổi thay diện mạo đô thị.
Tăng trưởng thương mại – dịch vụ là một trong những điểm sáng trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025 của thành phố. Nếu như năm 2020, giá trị thương mại, dịch vụ đạt 9.042 tỷ đồng, đến năm 2022, đạt 10.769,7 tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2023 tăng 13,55% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều tuyến phố thương mại, ẩm thực dần hình thành, bước đầu tạo nên sự sầm uất trong kinh doanh. Số lượng đăng ký thành lập mới hộ kinh doanh cá thể từ đầu nhiệm kỳ đến nay là 1.820 hộ với tổng số vốn đăng ký mới đạt 483 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường được tăng cường, hàng hóa thị trường cơ bản được bình ổn, đáp ứng được nhu cầu của Nhân dân. Lượng khách du lịch về thành phố trung bình mỗi năm khoảng 75.000 lượt khách, riêng 3 tháng đầu năm 2023 đã đón 150.000 lượt khách. Việc tổ chức các hoạt động phục vụ khách đến chiêm bái tại các di tích được sắp xếp ngăn nắp, khoa học hơn.
Sản xuất công nghiệp, xây dựng của thành phố phát triển khá ổn định và tăng bình quân 10,4%/năm (mục tiêu tăng 10%). Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng từ 8.688 tỷ đồng năm 2020 lên 10.637,4 tỷ đồng năm 2022. Các ngành nghề truyền thống được duy trì như: sản xuất hương thơm, chế biến long nhãn, hạt sen… Cùng với đó, các ngành công nghiệp dệt may, cơ khí phát triển ổn định. Anh Vũ Duy Khánh, chủ doanh nghiệp mới thành lập tại phường Hiến Nam cho biết: Đầu tư vào lĩnh vực cung ứng hàng gia dụng trên địa bàn thành phố từ cuối năm 2022, đến nay doanh nghiệp của tôi đã thích ứng với thị trường, cung ứng ổn định các sản phẩm gia dụng cả trong và ngoài thành phố, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động.
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phát triển kinh tế khu vực nông thôn cũng được thành phố quan tâm triển khai thực hiện theo hướng hiện đại, gắn với tiêu thụ và du lịch sinh thái. Từ năm 2020 đến nay, đã có 22 hợp tác xã và 13 tổ hợp tác được thành lập mới và đi vào hoạt động, với mô hình sản xuất và dịch vụ nông nghiệp giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được thuận lợi, giá trị cao hơn.
Nhằm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu về phát triển kinh tế trong nhiệm kỳ, thời gian tới, thành phố có kế hoạch đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, thương mại, dịch vụ và đô thị. Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với phát huy giá trị của đô thị Phố Hiến cổ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân và các hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, dịch vụ chất lượng cao. Gắn kết du lịch tâm linh với du lịch sinh thái, giữa các di tích với vùng cây ăn quả đặc sản, làng nghề truyền thống để thu hút khách du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh và khách sạn. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án, công trình trọng điểm, công trình giao thông trên địa bàn thành phố.
Vi Ngoan