Trong không khí vui tươi, phấn khởi của ngày Quốc khánh 2/9, chúng tôi có dịp về thăm Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến (Khoái Châu).
Thôn Vân Nội không chỉ là vùng quê có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà còn là nơi phát tích của dòng họ Hoàng nổi tiếng có 18 đời Quận công. Theo gia phả của dòng họ Hoàng, đời thứ 6 là Thái phó Hồng Quốc Công Hoàng Thế Kiều (1540 – 1587) vốn là quan võ của nhà Lê đã phụng sự triều đình đem quân vào dẹp loạn ở Nghệ An. Do lập được nhiều chiến công lớn nên cụ được phong chức Tổng binh và được giao trấn giữ Nghệ An. Cụ cũng là người đầu tiên đặt nền móng cho việc họ Hoàng lập nghiệp ở Nghệ An. Ðời nối đời, đến cụ Hoàng Xuân Ðường là một nhà nho nhân ái, thông thái và nổi tiếng trong vùng. Cụ thân sinh ra bà Hoàng Thị Loan ở làng Hoàng Trù (Kim Liên, Nam Ðàn, Nghệ An).
Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh – bà Hoàng Thị Loan (1868 – 1901), một người phụ nữ đảm đang và nhân hậu. Cả cuộc đời bà đã vất vả chăm lo cho chồng, cho con, để chồng yên tâm dùi mài kinh sử, để các con có được những năm tháng tuổi thơ êm đẹp. Những lời răn dạy đạo lý của bà chính là nguồn suối ngọt ngào, nuôi dưỡng tâm hồn những người con ưu tú.
Ðể ghi dấu mạch nguồn truyền thống, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan được xây dựng và khánh thành năm 2005 với khuôn viên rộng trên 5 nghìn m2 tại thôn Vân Nội. Hiện nay, Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan được người dân, chính quyền địa phương tôn kính, gìn giữ, trở thành một địa chỉ văn hóa mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. Theo ghi dấu lịch sử, Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan được khởi công trên khuôn viên cũ của đình làng Vân Nội có từ thời hậu Lê, năm 1779 (Cảnh Hưng thứ 40). Công trình được xây dựng hài hoà với những thiết kế tinh xảo đậm chất văn hóa cổ truyền của dân tộc. Bước vào cổng, là giếng nước được xây dựng, tôn tạo khang trang, đây vốn là giếng làng cổ của đình làng Vân Nội. Bên phải khuôn viên là nhà bia, có tấm bia đá dựng năm 1072 ghi công lao của bà Hoàng Thị Ngọc Khương là con gái út của Ðộng quận công Hoàng Nghĩa Giao, bà là người có lòng thương dân, có nhiều công lao với người dân địa phương. Bên trái là nhà khách và nhà thờ Tổ của dòng họ Hoàng. Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan nằm ở chính giữa khuôn viên, được xây dựng bằng gỗ lim, lợp ngói đỏ truyền thống. Bước chân vào trong khu vực thờ tự, hình ảnh đầu tiên chúng tôi bắt gặp là bốn chữ “Quốc mẫu uy nghi” viết bằng chữ Hán được đặt trang trọng bày tỏ lòng tôn kính của người dân Hưng Yên với thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong nhà thờ, bên cạnh việc lưu giữ tư liệu về dòng họ Hoàng và thân nhân Chủ tịch Hồ Chí Minh, còn có một hiện vật thu hút khách tham quan, du lịch đến thăm đó là chiếc khung cửi mà bà Hoàng Thị Loan đã dệt vải đêm ngày để nuôi chồng ăn học, nuôi các con khôn lớn được chế tác theo nguyên mẫu chiếc khung cửi đang trưng bày ở huyện Nam Ðàn (Nghệ An). Một phần tại nhà thờ được dành để trưng bày, giới thiệu những hình ảnh và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Hưng Yên. Bên cạnh đó, còn lưu giữ các tài liệu hiện vật theo chủ đề: Quê hương Vân Nội và dòng họ Hoàng, Bác Hồ với Nhân dân Hưng Yên… Ông Hoàng Nghĩa Hiệp, người phụ trách trông nom, bảo vệ nhà thờ cho biết: Hiện nay, dòng họ Hoàng tại thôn Vân Nội có khoảng 30 hộ. Ðiều đáng quý là con cháu trong dòng họ đều có tinh thần ham học, hằng năm đều có người đỗ đạt, thành tài.
Ðể tưởng nhớ công ơn của bà Hoàng Thị Loan, hằng năm, ngoài các đoàn khách của Trung ương, tỉnh, huyện đến dâng hương, vào các dịp lễ, tết, khai giảng… học sinh, sinh viên, người dân trong và ngoài huyện thường xuyên tổ chức về thăm và học tập truyền thống tại nơi đây để phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, xây dựng quê hương phát triển.
Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan đã trở thành một địa chỉ văn hóa, tâm linh mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc. Ðây là nơi con cháu họ Hoàng và Nhân dân được tri ân, tưởng nhớ đến người sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trở thành điểm tham quan hấp dẫn cho du khách thập phương khi về thăm mảnh đất Hưng Yên. Năm 2023, Khu nhà thờ bà Hoàng Thị Loan được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử của di tích, đầu năm 2024, tỉnh, huyện Khoái Châu đã quan tâm đầu tư tu bổ, nâng cấp khu di tích; đầu tư nâng cấp đường giao thông vào khu di tích, bãi đỗ xe phục vụ khách đến tham quan, chiêm bái.
Phạm Đăng
Nguồn: https://baohungyen.vn/tham-nha-tho-than-mau-chu-tich-ho-chi-minh-3175038.html