Sáng mùa thu mát trong, giữa không khí thiêng liêng của dịp Quốc khánh 2/9, thật xúc động khi được đến Thủ đô Hà Nội, thăm Lăng Bác Hồ.
Ngày còn thơ bé, cả ngôi trường tiểu học nơi tôi học tập ai cũng thi đua học giỏi, chăm ngoan để vào dịp lễ được nhà trường tổ chức cho đi thăm Lăng Bác Hồ. Khi tên mình được xướng lên trong danh sách ấy, là cả một niềm tự hào to lớn. Tôi nhớ mãi cảm giác bồi hồi, hân hoan mấy ngày liền, đêm hôm trước khi lên Thủ đô Hà Nội không sao ngủ được. Khi Thủ đô Hà Nội hiện ra, khi Quảng trường Ba Đình ở trước mắt, và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng vàng rực, tôi thấy mình như choáng ngợp trước khung cảnh trang nghiêm, tươi đẹp và vô cùng đáng nhớ. Cảm xúc ấy còn theo tôi đến mãi sau này, mỗi khi có dịp lên Thủ đô, lại mong được dừng chân ở Quảng trường Ba Đình, mong được vào thăm Lăng Bác.
Lăng Bác Hồ được khởi công vào ngày 2/9/1973 và hoàn thành vào ngày 29/8/1975. Đây là nơi lưu giữ thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ vĩ đại của cả dân tộc, cùng nhiều di tích gắn với cuộc đời của Bác. Kiến trúc tổng thể của lăng là một khối vuông kiên cố. Kết cấu lăng được thiết kế rất vững chãi. Mặt chính của Lăng Bác Hồ hướng về phía Đông của Quảng trường Ba Đình. Trước mặt chính lăng nổi bật với dòng chữ Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đá hồng ngọc màu mận chín. Tiền sảnh ốp đá hoa cương vân đỏ hồng, làm nền cho dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do” và chữ ký dát vàng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dễ chịu nhất là dù đến thăm Lăng Bác vào mùa nào cũng gặp được cảnh quan thiên nhiên xanh mát, hài hòa với hàng trăm loài thực vật. Mỗi cây, mỗi hoa được trồng ở nơi đây đều mang ý nghĩa rất đặc biệt.
Tôi còn nhớ ca khúc “Tre ngà bên Lăng Bác” mà mình thường hát ngày thơ: “Bên Lăng Bác Hồ có đôi khóm tre ngà. Đón gió đâu về và đu đưa, đu đưa. Đón nắng đâu về mà thêu hoa, hoa”… Đến thăm Lăng Bác lần nào, tôi cũng ngắm nghía thật lâu những khóm tre ngà ấy. Qua bao nhiêu năm, tre già, măng mọc, những thân tre vàng óng vẫn đứng bên nhau tô điểm cho Lăng Bác, cành lá luôn xanh tươi, đan với nhau, đoàn kết như dân tộc Việt Nam, như những người đồng chí, đồng đội.
Mỗi lần thăm viếng Lăng Bác, tôi đều xúc động khôn nguôi. Cả một đời, Bác đã hy sinh, đã chăm lo cho dân tộc Việt Nam. Cho đến hôm nay, Người vẫn là vầng dương, là ánh sáng soi đường để dân tộc ta vững vàng bước tiếp, vượt qua gian khó, thử thách, sánh vai cùng bạn bè quốc tế. Nơi đây, tôi đã gặp những đảng viên cao tuổi, những thương binh nặng vào viếng Bác, ai cũng rưng rưng xúc động. Tôi cũng gặp những em nhỏ người Việt Nam, những em nhỏ người nước ngoài vào viếng Bác, được người thân kể chuyện về Bác, ánh mắt trong veo hiện rõ vẻ kính yêu Người.
Khi vào thăm Nhà sàn Bác Hồ – nơi đây bày những hiện vật trong sinh hoạt hằng ngày thời Bác còn sống, đồ vật Bác dùng để làm việc, hoạt động cách mạng, ta không khỏi cảm phục trước đức tính giản dị, nếp sống cần kiệm của Người. Giường đơn, gối chiếc, chiếc khăn mặt cũ, bộ bàn ghế đơn sơ… tất cả như vẫn còn in bóng dáng của Người.
Lễ thượng cờ, lễ hạ cờ ở Lăng Bác Hồ cũng được rất nhiều người mong đợi. Thiêng liêng làm sao, khi thời khắc đầu ngày, được ngắm nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong bình minh. Lễ thượng cờ là một nghi lễ cấp quốc gia, được thực hiện vào 6 giờ sáng mỗi ngày trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đoàn thượng cờ khởi hành từ phía sau lăng, dẫn đầu đoàn thượng cờ là quân kỳ Quyết thắng. Sau đó, là đội tiêu binh với 34 người, tượng trưng cho 34 chiến sĩ đầu tiên của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đoàn đi một vòng ra phía trước để đến chân cột cờ. Ba chiến sĩ đội hồng kỳ sẽ tiến lên phía cột cờ chuẩn bị các nghi thức thượng cờ. Lúc này, cửa lăng bắt đầu mở. Khi có hiệu lệnh, lá cờ được tung ra và bay lên theo tiếng Quốc ca, cờ được kéo lên trên đỉnh của cột cờ. Lễ hạ cờ diễn ra vào 21 giờ hằng ngày, với nghi thức tương tự lễ thượng cờ. Nghi lễ chào cờ được các chiến sĩ thực hiện một cách trang trọng nhất, thiêng liêng nhất để giữ hình ảnh lá cờ Tổ quốc. Vào những ngày lễ đặc biệt như ngày Quốc khánh, sinh nhật Bác thì những nghi lễ này lại càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết.
Mùa thu lại đến, nắng lại rót mật trên Quảng trường Ba Đình. Cùng dòng người đến thăm Lăng Bác Hồ, từ xa màu cờ Tổ quốc đã in trên nền trời xanh, những khóm tre ngà bên lăng như du dương hát ngợi ca Người: “Muốn làm con chim hót quanh Lăng Bác. Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây. Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”…
Hải Triều