Nhiều người tự hỏi làm cách nào để luôn cảm thấy an ổn ở bên trong, trong khi câu hỏi thích hợp hơn là tại sao bên trong đó không an ổn. Nếu bạn nhận ra và từ bỏ điều khiến nơi đó không an ổn, bạn sẽ nhận ra bên trong bạn quả thật an ổn.
Đó là vấn đề Michael A. Singer khơi gợi trong cuốn sách “Sống đời tự do”, ông cũng chính là tác giả của “Cởi trói linh hồn” (quyển sách bán chạy nhất New York Times, với hơn 1 triệu bản đã được bán và xuất bản nhiều nơi trên thế giới).
Thế giới không đem lại hạnh phúc nếu bạn đang khiến bản thân khốn khổ
Trong “Sống đời tự do”, dưới góc nhìn khoa học và thông tuệ, Michael A. Singer đã phân tích thấu đáo nguồn gốc nguyên nhân khiến con người luôn cảm thấy bất hạnh thay vì phải vui sướng, hạnh phúc khi được có mặt trên thế gian này. Và vì sao nhiều người không tìm ra được giải pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề của chính mình.
Dưới sự dẫn dắt của Michael A. Singer, người đọc sẽ được tiếp cận, quan sát bản ngã, cuộc sống bên trong mình dưới góc nhìn mới mẻ và thú vị. Đó là những vấn đề chúng ta cần tiếp cận thấu đáo trước khi tìm kiếm giải pháp cho việc tiến tới một trạng thái sống thật sự tự do, an lạc.
Theo Michael A. Singer, con người có ba loại trải nghiệm: trải nghiệm bên ngoài bằng giác quan, bên trong bằng suy nghĩ và trải nghiệm bằng cảm giác hay cảm xúc. Michael A. Singer cho rằng nhiều người nhìn cuộc sống của mình như một “Đấu trường không ngơi nghỉ”. Họ đang cố dùng bên ngoài để chữa lành thế giới bên trong – trong khi tốt hơn là nên bắt đầu tìm hiểu lý do vì sao họ không cảm thấy an ổn ở bên trong. Nếu họ cho rằng hạnh phúc chỉ đạt được khi đi đấu tranh, tìm kiếm ở thế giới bên ngoài: địa vị cao, công việc hoàn hảo, ngôi nhà mơ ước… thì sẽ không bao giờ thỏa mãn. “Vấn đề là có một thế giới hiện thực bên ngoài có thể thâm nhập và gây trở ngại cho những suy nghĩ và cảm xúc của bạn”.
Theo tác giả, cuộc sống với bạn không bình an vì mỗi ngày bạn chất chứa vào đó quá nhiều chướng ngại, tích tụ quá nhiều năng lượng xấu khi phải chống chọi với thế giới bên ngoài và chưa hiểu sâu về bản ngã. Những ấn tượng khó phai trong tâm trí đó, mà khoa học về yoga gọi là Samskara, luôn khuynh đảo bạn, luôn khiến bạn không bình an. Thay vì trải nghiệm thế giới bên ngoài đang lướt qua, bạn lại sống với những cảm xúc yêu, ghét, niềm tin và định kiến được lưu giữ bên trong. Nó hình thành nên những nỗi khổ nội tâm của bạn.
“Nguyên nhân của khổ là ý hướng cá nhân, nó quyết định cách bạn muốn mọi việc như thế nào và thất vọng khi mọi sự không diễn ra theo ý bạn”, Michael A. Singer đúc kết. Ông cho thấy “Về bản chất, bạn khiến cho bản thân cảm thấy bất hạnh, sau đó bạn đi ra bên ngoài và đòi hỏi thế giới phải bằng cách nào đó làm bạn hạnh phúc… Thế giới này không thể đem lại hạnh phúc cho bạn trong khi bạn đang khiến bản thân khốn khổ ở bên trong”.
Và đây là điều tác giả chỉ ra: Khi thật sự đi qua quá trình trưởng thành về mặt nội tâm, bạn sẽ không còn đồng nhất bản thân với những khách thể bên ngoài. Bạn sẽ đồng nhất mình với ý thức về bản ngã ở sâu hơn bên trong bạn.
Sống đời tự do – Giải thoát bản thân mới có khả năng ứng phó với bất kỳ tình huống nào mà bạn gặp phải.
Chỉ khi được bình an bạn mới hòa vào dòng chảy mà không chìm trong nó
Theo Michael A. Singer, cốt lõi của vấn đề là bạn nhận thức đầy đủ về bản ngã, hiểu rõ người đang ở bên trong bạn là ai, đang làm gì. Hãy bắt đầu (hoặc tiếp tục) hành trình khám phá nội tâm. Nhận thức đầy đủ thì mới có thể học cách chấp nhận và buông bỏ đúng, làm sâu sắc mối quan hệ của bạn với chính bản thân và thế giới xung quanh, để tiến tới một trạng thái sống thật sự tự do, an lạc. Chỉ khi được bình an bạn mới có thể sống đời tự do.
“Bạn hãy bắt đầu với những thứ chướng ngại dễ buông bỏ trong cả ngày, và sau đó tiến đến bước tiếp theo là buông bỏ quá khứ. Đó là cách tốt nhất để bắt đầu công cuộc chuyển hóa đầy ý nghĩa. Một khi bạn học được cách phóng thích những vấn đề phát sinh từ chính bản thân, những Samskara tích tụ trong bạn, chắc chắn một sự chuyển biến lớn hơn sẽ xảy đến”. Nhưng làm thế nào và bằng cách nào?
Michael A. Singer chỉ ra: Vấn đề chỉ được giải quyết khi bạn trở lại nhìn sâu vào bên trong mình, tập trung vào việc buông bỏ nguyên nhân gốc rễ của nỗi khổ nội tâm, xử lý những năng lượng tiêu cực bị kìm nén, giải phóng bản thân. Một khi bạn đã đạt đến cấp độ nội tâm thông suốt, bạn sẽ nhận ra rằng việc bạn bằng lòng với hiện thực không có nghĩa là bạn không tương tác với nó. Thế giới tiếp tục biểu hiện ra trước mắt bạn, nhưng nó không thuộc về cá nhân bạn nữa.
Chấp nhận, buông bỏ không có nghĩa là thụ động, buông xuôi, mà hiểu những gì xảy ra trong thế giới khách quan sẽ luôn xảy ra như nó vốn có, nó không thuộc về bạn, không xảy ra theo cách bạn mong muốn… Chấp nhận không có nghĩa là làm gì hay không làm gì, mà là từ bỏ hoàn toàn thói quen phản kháng ngay từ đầu của bạn đối với những gì đang xảy ra. Hiểu sâu sắc về những điều đó, bạn sẽ biết cách “hòa vào dòng chảy nhưng không chìm trong nó”, sẽ biết cách chuyển hóa những năng lượng xấu thành năng lượng tích cực để sống đời an lạc, tự do và có ích cho nhân gian.
Theo Michael A. Singer, cốt lõi của vấn đề là bạn nhận thức đầy đủ về bản ngã, hiểu rõ người đang ở bên trong bạn là ai, đang làm gì.
Trong “Sống đời tự do”, tác giả cho rằng: chúng ta bắt đầu hành trình đi đến việc thấu hiểu tính hợp lý tuyệt đối của sự chấp nhận và những món quà tuyệt vời mà điều này hứa hẹn sẽ mang lại: sự tự do, bình an và sáng suốt nội tại. Chấp nhận được hiểu theo nghĩa đúng nhất là không chống lại hiện thực.
Nếu bạn muốn chiêm nghiệm và thực hành, có thể nghiền ngẫm những phần nội dung cụ thể trong cuốn sách về: thế giới bên ngoài, sự ra đời của tâm trí cá nhân, suy nghĩ và giấc mơ, bí mật của trái tim, trạng huống khó khăn của con người và sự vượt thoát, học buông bỏ, sống cuộc đời chấp nhận…
“Đừng đợi cho tới khi một vụ nổ bom kinh hoàng xảy ra trong đời bạn, rồi mới tự hỏi cần làm điều gì khác biệt. Bạn cần thực thi sứ mệnh giải thoát bản thân mỗi ngày, từ đó bạn mới có khả năng ứng phó với bất kỳ tình huống nào mà bạn gặp phải trên đường đời”. Tác giả đưa ra lời khuyên chân thành.
“Những người dành cuộc đời mình cho công cuộc giải phóng bản thân như bạn thật đáng quí. Yêu thương và trân trọng”. Đó là những dòng cuối của cuốn sách. Nếu tác giả đã dành cho chúng ta, những người đọc, sự yêu thương và trân trọng như vậy, thì không lý gì chúng ta lại không yêu thương và trân trọng chính bản thân mình? Và hãy bắt đầu với “Sống đời tự do”.