Đầu tháng 9, khi trà nhãn chính vụ thu hoạch xong, nhiều nhà vườn ở tỉnh lại rộn ràng thu hoạch diện tích nhãn chín muộn.
Huyện Khoái Châu có trên 1,3 nghìn héc-ta nhãn đang cho thu hoạch, trong đó khoảng 900 héc-ta là nhãn muộn, tập trung ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình… Các giống nhãn được nông dân lựa chọn canh tác chủ yếu là: Miền Thiết, siêu ngọt, T2, T1…
Gia đình bà Nguyễn Thị Thúy ở xã Hàm Tử trồng 2 héc-ta nhãn siêu ngọt. Năm nay, sản lượng nhãn ước đạt khoảng 7 tấn quả, với giá bán 30.000 – 35.000 đồng/kg. Bà Thúy cho biết: Trước kia, gia đình tôi chỉ tập trung trồng nhãn Miền Thiết nhưng cách đây khoảng chục năm chuyển đổi dần sang giống nhãn siêu ngọt. Giống nhãn này có nhiều ưu điểm vượt trội như: Sinh trưởng khỏe, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; ra quả đều không bị cách năm; phù hợp với đặc điểm thổ nhưỡng tại địa phương; năng suất, chất lượng, giá bán cao. Nhãn chín muộn luôn trong trạng thái “cháy hàng” được khách hàng quen đặt mua từ trước để làm quà biếu hoặc được nhiều thương lái từ nhiều tỉnh, thành phố về đặt mua tại vườn.
Đồng chí Nguyễn Hữu Phú, Chủ tịch UBND xã Hàm Tử cho biết: Xã hiện nay có hơn 270 héc-ta nhãn chín muộn với các giống nhãn như Miền Thiết, siêu ngọt, T2… có chất lượng thơm ngon, mẫu mã đẹp, thị trường tiêu thụ khá thuận lợi. Để góp phần nâng cao chất lượng và giá trị quả nhãn, mang lại thu nhập cao cho người trồng, địa phương tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật canh tác nhãn đến nông dân; khuyến khích nhà vườn tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong canh tác; chú trọng sản xuất sạch và cải tạo, chuyển đổi diện tích nhãn tạp, cho năng suất và chất lượng kém sang thay thế bằng các giống có chất lượng cao, thu hoạch rải vụ nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong tiết trời heo may của những ngày đầu thu, ông Trần Văn Hiếu ở xã Tân Hưng (thành phố Hưng Yên) thường xuyên có mặt ở vườn để thu hoạch nhãn xuất bán cho thương lái và khách hàng đến mua lẻ. Trong khi nhiều nhà vườn đã cơ bản thu hoạch xong trà nhãn chính vụ thì từ đầu tháng 9, vườn nhãn của gia đình ông mới bắt đầu vào vụ.
Gia đình ông Hiếu có 1,5 mẫu vườn, trước kia chủ yếu trồng các giống nhãn chính vụ như hương chi, T6. Nhằm kéo dài thời gian thu hoạch nhãn, ông tìm hiểu tại nhiều mô hình, sách báo… thấy có giống nhãn muộn T1 nên quyết định đến Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội) mua giống về trồng thử nghiệm. Nhận thấy giống nhãn này cho quả có chất lượng, giá trị cao nên ông quyết định chuyển sang trồng toàn bộ giống nhãn muộn T1 từ gần chục năm trước. Mặc dù là giống nhãn “khó tính” nhưng nhờ nắm chắc đặc tính sinh trưởng, phát triển của cây, biết áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, cùng với kinh nghiệm thâm canh nên vườn nhãn của gia đình ông Hiếu thường cho năng suất ổn định, chất lượng quả thơm ngon, được khách hàng ưa chuộng. Khách đến mua năm trước năm sau lại liên hệ đặt hàng từ sớm nên không phải lo đầu ra. Ông Hiếu cho biết: Giống nhãn này cho thu hoạch vào đầu tháng 9 dương lịch, khi nhãn chính vụ đã hết nên tiêu thụ rất thuận lợi. Đặc trưng của giống nhãn này cùi dày, giòn và có vị ngọt sắc. Giá bán tại vườn trung bình 30.000 – 40.000 đồng/kg.
Nhằm đa dạng sản phẩm nhãn quả tươi đáp ứng nhu cầu thị trường với thời gian thu hoạch kéo dài, hạn chế việc thu hoạch tập trung dẫn đến thương lái ép giá… thời gian qua nhiều nhà vườn ở tỉnh đã cải tạo, chuyển đổi diện tích nhãn kém hiệu quả của gia đình sang trồng các giống nhãn trà muộn có chất lượng cao như siêu ngọt, T1, T2… Hiện nay, diện tích nhãn toàn tỉnh ước khoảng 4.800 héc-ta, sản lượng ước đạt khoảng trên 42.000 tấn, trong đó nhãn chín muộn khoảng 14.700 tấn (chiếm 35%).
Để các giống nhãn chín muộn cho năng suất ổn định, chất lượng quả thơm ngon và hiệu quả bền vững, người trồng phải có kỹ thuật thâm canh tốt, luôn tìm hiểu, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác. Chị Nguyễn Thị Phương, hộ trồng nhãn có tiếng ở xã Tiền Phong (Ân Thi) chia sẻ: Việc trồng nhãn chín muộn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, khí hậu từng năm. Nên mặc dù đang canh tác những giống nhãn chín muộn tự nhiên nhưng nếu muốn cây cho thu hoạch vào thời điểm như mong muốn, vào cuối năm trước, chị thường áp dụng biện pháp khoanh gốc, tiện cành để “hãm” sự phát triển của cây, lùi thời gian ra hoa đậu quả. Đồng thời thường xuyên theo dõi lộc, lá của cây nhãn để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hợp lý, chú trọng bón phân hữu cơ ủ mục để cây phát triển bộ rễ…
Hiện nay, hơn phần lớn diện tích nhãn chín muộn của tỉnh được thâm canh theo quy trình VietGAP. Với những hoạt động tích cực từ các ngành chức năng và các địa phương trong xúc tiến, quảng bá thương hiệu, cùng với sự năng động của người dân khi chủ động tiếp cận với phương pháp khoa học, ứng dụng tiến bộ trong sản xuất, luôn cập nhật nhu cầu thị trường và tìm hiểu những giống nhãn có chất lượng… sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên nói chung, nhãn chín muộn nói riêng sẽ ngày càng có chỗ đứng trên thị trường.
PV