Triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), thời gian qua, huyện Phù Cừ chỉ đạo phòng chuyên môn, các địa phương tiến hành rà soát, xác định các sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc địa phương, bảo đảm tiêu chuẩn để phát triển thành sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn huyện có 18 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 15 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các sản phẩm được công nhận OCOP chủ yếu thuộc lĩnh vực trồng trọt, chế biến.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2024, huyện Phù Cừ phấn đấu có 3 sản phẩm mới được công nhận sản phẩm OCOP gồm: Nhãn siêu ngọt; vải trứng Hưng Yên; dưa chuột quả tươi. Để hoàn thành mục tiêu, UBND huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đăng ký tham gia xây dựng sản phẩm bảo đảm đúng các tiêu chí về nguồn gốc, xuất xứ, bao bì, nhãn mác sản phẩm và các tiêu chí khác liên quan; tập trung hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, chất lượng; tập huấn, tư vấn, hướng dẫn các chủ thể tham gia xây dựng hoàn thiện hồ sơ, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, chứng nhận sản phẩm theo tiêu chuẩn sản xuất an toàn… bảo đảm đủ các điều kiện tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.
Bà Nguyễn Thị Nga, nông dân ở xã Quang Hưng cho biết: Nhận thấy hiệu quả từ trồng cây dưa chuột và mong muốn xây dựng sản phẩm dưa chuột chất lượng, có thương hiệu, sau khi được tuyên truyền, hướng dẫn, tôi đã làm hồ sơ tham gia chương trình OCOP. Để bảo đảm các yêu cầu chương trình, trong quá trình trồng, khác với việc làm giàn truyền thống (giàn hình chữ A), tôi đầu tư giàn đơn, giàn đứng, trồng 1 hàng để bảo đảm dễ chăm sóc, thu hoạch và phòng trừ sâu bệnh. Bên cạnh đó, tôi sử dụng phân vi sinh chăm bón, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc sản xuất theo hướng an toàn góp phần giúp tôi bảo đảm các điều kiện, tiêu chí của chương trình.
Trong những năm qua, vải trứng Hưng Yên đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh, do có mã đẹp, chất lượng quả vải ngon. Do đó, vải trứng Hưng Yên đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Với mong muốn tiếp tục phát triển thương hiệu Vải trứng Hưng Yên, các chủ thể tiếp tục đăng ký tham gia chương trình OCOP, trong đó có HTX vải trứng ở xã Phan Sào Nam. Ông Lê Anh Hà, Giám đốc HTX vải trứng xã Phan Sào Nam cho biết: Để sản phẩm vải trứng Hưng Yên của HTX được công nhận sản phẩm OCOP, HTX chú trọng thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đồng thời, triển khai trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP, liên kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều hộ dân trong xã. Nhờ đó, diện tích sản xuất của HTX mở rộng từ 10 héc-ta năm 2022 đến nay đạt gần 20 héc-ta. Ngoài ra, khi đăng ký tham gia chương trình OCOP, HTX được huyện, ngành chuyên môn hỗ trợ tham gia tập huấn, xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm; hỗ trợ kho lạnh, hỗ trợ 500 bao bì, 2 nghìn tem mác sản phẩm… Đến nay, HTX hoàn thành hồ sơ gửi huyện đề nghị công nhận sản phẩm vải trứng Hưng Yên của HTX đạt OCOP, hạng 3 sao.
Cùng với các sản phẩm dưa chuột quả tươi, vải trứng Hưng Yên, những năm qua, huyện khuyến khích các hộ dân cải tạo vườn nhãn, trồng giống nhãn năng suất, chất lượng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng, sản lượng của quả nhãn trồng trên đất Phù Cừ ngày càng cao.
Tiếp tục phát huy thế mạnh từ trồng nhãn, năm nay, huyện chọn nhãn siêu ngọt là sản phẩm OCOP. Ông Nguyễn Quốc Oai, Giám đốc HTX dịch vụ, thương mại nhãn lồng Nguyên Hòa, xã Nguyên Hòa – đơn vị đăng ký sản phẩm nhãn siêu ngọt đạt OCOP cho biết: Với nhiều ưu điểm như: Sai quả, cùi dày, hạt nhỏ… sau khi đưa vào sản xuất tại HTX, giống nhãn siêu ngọt đã khẳng định giá trị kinh tế cao. Với trên 10 héc-ta trồng nhãn, 2-3 năm gần đây, sản lượng nhãn của HTX đạt gần 100 tấn, trong đó, 50% sản lượng nhãn được liên kết xuất bán cho thương lái, cửa hàng rau, quả sạch trong và ngoài tỉnh; 20% sản lượng nhãn được bán qua kênh thương mại điện tử. Từ hiệu quả kinh tế đem lại, HTX chú trọng xây dựng thương hiệu để sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Theo đó, HTX tuyên truyền các thành viên duy trì sản xuất theo quy trình VietGAP. Trong quá trình chăm sóc, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được áp dụng theo nguyên tắc “4 đúng”, tăng cường bón phân hữu cơ… So sánh bộ tiêu chí chương trình OCOP, sản phẩm nhãn siêu ngọt của HTX đạt các tiêu chí.
Đến thời điểm này, các chủ thể tham gia chương trình OCOP năm 2024 đã hoàn thiện hồ sơ, gửi phòng chuyên môn của huyện đề nghị thẩm định, công nhận sản phẩm OCOP.
Đồng chí Lê Xuân Mai, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phù Cừ cho biết: Nhìn chung, các sản phẩm đăng ký công nhận sản phẩm OCOP bảo đảm đúng tiêu chí, quy định của chương trình. Trong quá trình sản xuất, các chủ thể chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường.
Thực tế cho thấy, sản phẩm được công nhận OCOP tăng 15 – 20% giá trị so với sản phẩm cùng loại trồng trong huyện. Do đó, huyện Phù Cừ tiếp tục tập trung phát triển các sản phẩm OCOP theo thế mạnh của mỗi địa phương. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm OCOP gắn với vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số… để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Minh Hồng
Nguồn: https://baohungyen.vn/phu-cu-gia-tang-san-pham-ocop-gan-voi-vung-san-xuat-tap-trung-3177101.html