Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN), hay còn gọi là điện mặt trời áp mái là hệ thống lắp đặt những tấm pin năng lượng mặt trời lên mái nhà để sản xuất điện năng phục vụ sinh hoạt, sản xuất… Công suất lắp đặt điện mặt trời được tính bằng MWp, hoặc kWp, có được khi mặt trời bức xạ (nắng). Khai thác được điện năng từ năng lượng mặt trời giúp tiết kiệm chi phí trong sinh hoạt, sản xuất, giảm áp lực cho ngành điện, nhất là vào những tháng cao điểm, đồng thời góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường.
Gia đình anh Vũ Quang Huy ở thị trấn Vương (Tiên Lữ) kinh doanh đồ điện nhiều năm nay. Do đặc thù hoạt động sản xuất, kinh doanh, mỗi tháng anh phải chi phí 2 – 3 triệu đồng tiền điện. Vốn yêu thích khoa học, kỹ thuật, lại mong muốn sử dụng nguồn năng lượng sạch, anh Huy đã bàn cùng gia đình, ngay từ khi xây nhà đã cố gắng xây cao, thiết kế mái phù hợp để có thể lắp đặt, vận hành hệ thống ĐMTMN. Đến nay, hệ thống pin năng lượng mặt trời đã lắp kín mái nhà gia đình anh, các thiết bị điện trong nhà đều sử dụng ĐMTMN, không còn tốn tiền triệu để mua điện hằng tháng nữa.
Anh Huy cho biết, việc lắp đặt ĐMTMN những năm trước gặp nhiều khó khăn do sản phẩm còn mới lạ, giá cao, tùy thuộc vào nhà cung cấp, dao động từ khoảng 20 – 30 triệu đồng cho 1kWp công suất lắp đặt. Với mỗi kWp công suất lắp đặt, có thể tạo ra được một lượng điện năng khoảng từ 4 – 5kWh mỗi ngày. Nhưng nay chi phí đã giảm 30 – 40%, việc lắp đặt cũng thuận lợi, dễ dàng hơn. Những ngày nắng, hệ thống sản xuất được khoảng 50kw điện.
Không chỉ tại các hộ gia đình, ĐMTMN đang được các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh trong tỉnh áp dụng. Như tại Công ty cổ phần chế tạo máy biến áp Hà Nội (xã Tân Quang, Văn Lâm) đã lắp đặt hơn 2,2 nghìn tấm pin năng lượng mặt trời, tổng công suất của hệ thống pin là hơn 990kWp. Với hệ thống ĐMTMN này, công ty có nguồn năng lượng sạch phục vụ quá trình sản xuất.
Ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ: Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu. Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất.
Ngày 20/7/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1506/QĐ-UBND phê duyệt Đề án phát triển điện mặt trời mái nhà trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, khuyến khích các hộ dân, cơ quan, công sở, đơn vị hành chính sự nghiệp đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN phục vụ tự sản, tự tiêu theo quy định tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đến năm 2045, tổng công suất lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên toàn tỉnh đạt khoảng 1.407,6 MWp. Nghiên cứu xây dựng cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy hộ gia đình, đơn vị kinh doanh tư nhân đầu tư lắp đặt ĐMTMN. Ưu tiên thực hiện đầu tư phát triển ĐMTMN tại khu vực hành chính, giáo dục, y tế nhà nước theo lộ trình từng giai đoạn. Các hệ thống ĐMTMN tại khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) và khu vực dân cư cần được thiết kế để sử dụng chủ yếu cho mục đích tự dùng và sử dụng thiết bị zero export ngăn công suất điện mặt trời thừa phát lên lưới để bảo đảm thực hiện theo đúng yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và đơn vị bán lẻ điện trên địa bàn. Tập trung phát triển ĐMTMN tại các cơ sở sản xuất trong các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm với yêu cầu bảo đảm toàn bộ lượng điện mặt trời phục vụ 100% cho nhu cầu sử dụng tại chỗ.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan quản lý cập nhật thông tin, theo dõi các hướng dẫn và chính sách của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đối với lĩnh vực điện mặt trời. Tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, giới thiệu sản phẩm đến cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan cấp quản lý để phổ biến cụ thể tới người dân nhằm bảo đảm sự đồng thuận và tạo điều kiện cho người dân được hưởng các ưu đãi từ các dự án năng lượng tái tạo. Ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư hệ thống ĐMTMN được hưởng các hỗ trợ về lãi suất vay vốn theo quy định. Tranh thủ các nguồn vốn tài trợ ODA, phi chính phủ nước ngoài để nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và các hỗ trợ kỹ thuật trong lĩnh vực đầu tư hệ thống ĐMTMN.
Hiện nay, các ngành, đơn vị chuyên môn trong tỉnh như: Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Công ty Điện lực Hưng Yên… đang triển khai các nội dung để thực hiện đề án phát triển điện mặt trời mái nhà như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích, sự cần thiết về phát triển các dự án điện mặt trời; đề xuất, xác định diện tích, phạm vi các khu vực, tòa nhà phát triển các hệ thống ĐMTMN; lồng ghép mục tiêu phát triển ĐMTMN vào các chương trình, dự án về bảo vệ môi trường; khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong các KCN; kiểm tra các công trình điện mặt trời đã, đang triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh…
Vi Ngoan