Để tôn vinh sự nghiệp và những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh, đồng thời tạo thêm một địa chỉ văn hoá, lịch sử, giáo dục truyền thống, năm 2003, công trình Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được khởi công xây dựng và đến tháng 9/2004 khánh thành. Công trình nằm trong khuôn viên rộng 2000m2 gồm các hạng mục: nhà tưởng niệm, nhà khách và nhà bảo vệ. Năm 2015, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Văn Linh, khu di tích tiếp tục được đầu tư nâng cấp, tôn tạo, mở rộng thành Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với khuôn viên rộng 4.685m2. Hệ thống sân vườn, hồ nước cũng được quy hoạch tạo nên một chỉnh thể thống nhất, hài hòa cho khu lưu niệm. Ngoài ra, trong tổng thể Khu lưu niệm Tổng Bí thư còn có công viên cây xanh và phần mộ thầy giáo Nguyễn Đức Lan (cha đẻ của đồng chí Nguyễn Văn Linh).
Hiện nay, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gồm nhiều công trình như: Nhà tưởng niệm; nhà trưng bày lưu niệm; nơi đón tiếp khách đến tham quan, thăm viếng cùng hệ thống sân vườn hài hòa,… Về tổng thể, các hạng mục công trình mang đậm nét kiến trúc nhà thờ truyền thống, hòa hợp với không gian, cảnh quan làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã trở thành địa chỉ quen thuộc đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân về dâng hương, thăm viếng, tưởng nhớ và bày tỏ lòng mến phục, kính trọng, tri ân. Trung bình mỗi năm, khu di tích đón hàng trăm đoàn khách với hàng nghìn lượt người đến tham quan, thăm viếng. Ngoài những đoàn khách trung ương, cán bộ, Nhân dân trong nước, trong tỉnh, khu lưu niệm còn đón những đoàn khách nước ngoài đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,… Tại Nhà trưng bày lưu niệm trong Khu lưu niệm hiện nay đang lưu giữ, trưng bày 120 tài liệu, hình ảnh và gần 100 hiện vật tiêu biểu về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp vẻ vang cùng những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với quê hương, đất nước. Các bức ảnh, bản trích được treo trên tường và được chia thành 4 chủ đề chính: quê hương và dòng họ; quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Văn Linh; đồng chí Nguyễn Văn Linh với gia đình, quê hương, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế; những tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với đồng chí Nguyễn Văn Linh…
Vinh dự là ngôi trường mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trên quê hương Giai Phạm, cán bộ, giáo viên, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh luôn tự hào và nỗ lực phấn đấu. Hằng năm, nhà trường tổ chức nhiều buổi hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm và dâng hương, dâng hoa, báo công tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đồng chí Vũ Minh Tiến, Hiệu trưởng trường cho biết: Nhà trường coi hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm tại Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là hoạt động thường xuyên. Mỗi khi đến đây, các em học sinh của nhà trường được trực tiếp nghe và tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Văn Linh thông qua các tư liệu, hình ảnh. Qua đó, các em thêm hiểu và tri ân với những đóng góp to lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và những thế hệ cha, ông đi trước đã không quản ngại gian khổ, hy sinh để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước. Đây chính là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào, yêu nước và rèn luyện ý chí, quyết tâm cho thế hệ trẻ.
Khu lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được xây dựng ngay trên mảnh đất quê hương đáp ứng lòng mong đợi của Nhân dân cả nước nói chung, người dân Hưng Yên nói riêng. Từ đó thắp sáng thêm ngọn lửa truyền thống cách mạng, cổ vũ thế hệ trẻ thực hiện sự nghiệp đổi mới như lúc sinh thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khởi xướng và kiên trì, quyết tâm thực hiện. Đồng chí Nguyễn Hữu Tuân, Chủ tịch UBND xã Giai Phạm cho biết: UBND xã thành lập Ban Quản lý khu di tích do Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban. Ban Quản lý khu di tích thường xuyên kết hợp với lực lượng an ninh địa phương kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện những hư hại để tiến hành tu sửa. Chính quyền địa phương phối hợp với Ban Quản lý khu di tích xây dựng phương án tổ chức lễ kỷ niệm và các hoạt động khác tại khu di tích bảo đảm an toàn, ý nghĩa, đúng quy định và tích cực nghiên cứu, đề xuất thực hiện các hoạt động trùng tu, tôn tạo, nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của khu di tích. Đây mãi mãi là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.
Mai Nhung