Trẻ em mê truyện tranh bởi ngoài dung lượng chữ ngắn, nhiều hội thoại, tranh vẽ sinh động thì yếu tố hài hước là gia vị không thể thiếu. Để thu hút độc giả thiếu nhi, đã và đang có nhiều cuốn truyện dí dỏm, hài hước khiến trẻ phải “ôm bụng cười” được giới thiệu đến độc giả nhỏ tuổi nước Việt.
Tình cảm gia đình, chuyện bạn bè, trường lớp hay những chuyến phiêu lưu khám phá thiên nhiên kỳ thú là đề tài hấp dẫn độc giả thiếu nhi. Tuy rằng “gu” đọc của mỗi trẻ khác nhau nhưng thực tế chứng minh rằng, những câu chuyện hài hước luôn được trẻ em yêu thích. Khác với người lớn, luôn coi mọi sự quanh mình như một lẽ tất nhiên, thế giới trong mắt trẻ thơ luôn rực rỡ sắc màu, lạ lẫm, mới mẻ, đáng để khám phá và rất dễ để vui vẻ. Nhà thơ Thi Hoàng đã viết: “Chợt ngẫm thấy trẻ em là giỏi nhất/ Làm được buổi chiều rất giống ban mai”. Viết sách hài hước cho thiếu nhi chính là đi từ những góc nhìn mang tính khám phá và vui vẻ như thế.
“Ờ, tám tuổi, vẫn là trong trẻo lắm, vẫn khát khao cuộc sống cho dù lúc tám tuổi có thể bạn rầu rầu nói: “Một ngày, tôi chợt nhận thấy cuộc sống thật là buồn chán và tẻ nhạt”. Câu nói yếm thế đó của một đứa trẻ có thể bắt đầu cho một cuốn sách vui nhộn” – nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã viết trong cuốn sách best-seller “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Cuốn sách đã khiến không chỉ độc giả trẻ con mà kể cả người lớn cũng phải bật cười, cảm thấy như được trở về những ngày ấu thơ trong trẻo, luôn thấy thế giới quanh mình mới mẻ, tinh khôi và tràn đầy niềm vui. Tuy rằng “tám tuổi có cái buồn chán của tuổi lên tám” như khi “bị các bậc phụ huynh cột chặt vào giấc ngủ trưa”, khi “bị giam cầm trong lớp học” hay khi nhìn thấy “khuôn mặt lo lắng của mẹ và khuôn mặt hầm hầm của ba” trước mỗi lần khám phá thế giới thì về cơ bản, với trẻ em, những phút giây buồn chán ấy đều trôi qua rất nhanh, để ngay sau đó chúng đã sẵn sàng bắt đầu những “thí nghiệm” mới bằng hành động hay bằng ngôn ngữ.
“Đấy là nó nghĩ thế” của Trần Ngọc Anh Thư, “Đi trốn” của Bình Ca, “Cơ bản là cơ bản” của Huy Thông hay “Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy” của tác giả nhỏ tuổi Nguyễn Khang Thịnh đều mang đến tiếng cười cho độc giả bởi viết về những “thí nghiệm” bằng hành động hay bằng ngôn ngữ đầy niềm vui đậm chất tuổi thơ. Tuy nhiên, số lượng tác phẩm “made in Vietnam” hút độc giả nhỏ tuổi bằng tiếng cười vẫn còn chưa nhiều. Nguyễn Nhật Ánh vẫn là nhà văn số 1 trong lòng độc giả thanh, thiếu niên hiện nay với số lượng lớn sách mà trong đó, rất nhiều cuốn mang đến tiếng cười.
Dịch giả, nhà văn Nguyễn Bích Lan chia sẻ: “Từ kinh nghiệm thực tế, tôi phát hiện thấy có một cách khá hiệu quả (có thể được coi là đường tắt) để khiến một đứa trẻ bắt đầu đọc sách. Đó là chọn cho trẻ một hoặc vài cuốn truyện hài. 100% trẻ con thích truyện hài. Tất nhiên hài thì hài, sách bạn chọn vẫn cần đảm bảo tính giáo dục, chứ không nên bất chấp tất cả để trẻ cười”. Có thể kể đến những cuốn truyện nổi tiếng đã được dịch sang tiếng Việt như “Những cuộc phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn”, “Lại thằng nhóc Emil”, “Pippy tất dài”, “Nhóc Nicolas”, “Biệt đội khoác lác”, “Nhật ký chú bé nhút nhát”, “Hướng dẫn sử dụng mẹ”… Đa số kể về cuộc sống hằng ngày của các nhân vật nhỏ tuổi nhưng đã bắt đúng “tần số” của độc giả nhí bằng lối kể dí dỏm, tình tiết gây cười nên trở thành những cuốn sách best-seller, được tái bản nhiều lần với số lượng bản in “khủng”.
Những năm gần đây, một số đơn vị xuất bản như NXB Kim Đồng, Nhã Nam đã giới thiệu đến độc giả thiếu nhi Việt nhiều tác phẩm hài ăn khách của văn học thế giới. Đó là Gianni Rodari với “Cuộc phiêu lưu của chú Hành”, “Gelsomino ở xứ sở nói dối”, “Hai mươi truyện thêm một”, “Chuyến xe điện số 75”, “Thần mưa”, “Bầu trời là của mọi người”, “Ngôi trường to nhất”, “Cuộc phiêu lưu của mũi tên xanh”, “Giữa trời chiếc bánh gatô”… Đó là David Walliams với “Lũ trẻ hư nhất quả đất”, “Ông nội vượt ngục”, “Bà nội găngxtơ”, “Bà bác khủng khiếp”, “Bố xấu bố tốt”, “Nha sĩ yêu quái”, “Băng đảng nửa đêm”, “Nhóc tì tỷ phú”, “Bánh mì kẹp chuột”… Là Roal Dahl với “Charlie và nhà máy sôcôla”, “Cô bé Matilda”, “Phù thủy phù thủy”, “Sophie và tên khổng lồ”, “Danny nhà vô địch thế giới”, “Thần dược của George”, “Bác Fox tuyệt vời”, “Những ngày xưa yêu dấu”…
Có thể nói, đó đều là những cuốn truyện khiến bao đứa trẻ phải vừa đọc vừa “ôm bụng cười”, thậm chí đọc đi đọc lại mà không biết chán. Thế giới được “vẽ” nên trong các tác phẩm hài hước này qua những câu chuyện kỳ lạ, phi thường, thiếu logic trong mắt người lớn nhưng lại dễ dàng được thiếu nhi đón nhận. Đó là bởi, dẫu là tưởng tượng thì tinh thần nhân văn thấm đẫm sau mỗi cuốn truyện hài hước đã là thước đo giá trị vượt thời gian cho những tác phẩm ấy.