Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã viết nên nhiều trang sử vẻ vang với những chiến công chói lọi để bảo vệ bờ cõi, biên thùy Tổ quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những trang sử vẻ vang, chói lọi nhất, là bước ngoặt vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Trong hương sắc mùa thu, trong dịu dàng đất trời, những ký ức về mùa thu cách mạng hào hùng của dân tộc, về ngày Quốc khánh 2/9/1945 lại trở về thật sâu đậm.
Hòa vào dòng người từ khắp nơi rầm rập kéo về Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, tay cầm cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu: Mặt trận Việt Minh muôn năm! Ủng hộ Việt Minh!… là những ký ức không thể phai trong tâm trí người cán bộ tiền khởi nghĩa Lê Văn Sỏi ở xã Việt Cường (Yên Mỹ). Cụ Sỏi bồi hồi nhớ lại: Cứ mỗi độ thu về, khi khắp nơi sôi nổi các hoạt động kỷ niệm ngày Quốc khánh 2/9, hình ảnh Bác Hồ uy nghiêm đọc bản Tuyên ngôn độc lập giữa Quảng trường Ba Đình lộng gió lại hiện lên sống động như mới ngày nào. Hôm đó, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Nghe Bác đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi ai nấy đều rất sung sướng, tự hào, muốn khóc òa vì đất nước đã thoát khỏi ách nô lệ, được độc lập. Lúc đầu, khi Bác lên lễ đài, biển người cứ tiến sát lại gần lễ đài những mong được ngắm Bác gần hơn, nghe Bác đọc rõ hơn. Đang đọc, bỗng Bác dừng lại nói: “Tôi nói, đồng bào có nghe rõ không?”. “Có! Có…!”, cả quảng trường tiếng hô vang dậy như sấm. Những lời lẽ hùng hồn của bản Tuyên ngôn độc lập khắc sâu vào tâm khảm mỗi người, hiệu triệu chúng tôi, lớp thanh niên ngày ấy và lớp lớp thế hệ người Việt Nam đứng lên bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước. Ngày nay, tuổi đã cao, tôi vẫn kể lại về những ngày gian khó đã qua để nhắc nhở con, cháu khắc ghi công ơn của các thế hệ cha anh, nỗ lực lao động, học tập, công tác, vươn lên trong cuộc sống…
Đã ngoài trăm tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Trọng Pháo ở xã Đình Cao (Phù Cừ), dù tai không còn thính, sức khỏe đã yếu nhiều nhưng ký ức về nỗi thống khổ của Nhân dân ta khi chịu sự áp bức, bóc lột của thực dân phong kiến, về nạn đói khủng khiếp năm 1945 vẫn được cụ kể vanh vách khi chúng tôi hỏi đến. Cụ Pháo hồi tưởng: Ngày đó, đói khổ lắm, cơm không đủ ăn, quần áo không đủ mặc. Cuộc sống lầm than. Ngày ấy, tôi được cán bộ Việt Minh tuyên truyền tham gia vào đội thanh niên cứu quốc. Không kể ngày, đêm khi được phân công nhiệm vụ là tôi lên đường khi thì làm công tác liên lạc, khi thì đưa cán bộ… Thế rồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra. Trong khí thế cách mạng sục sôi cùng cả nước, ở Hưng Yên, Việt Minh và Nhân dân đã đứng lên khởi nghĩa… Ngày 22/8/1945, toàn tỉnh tiến hành tổng biểu tình, mít tinh giành chính quyền. Ngay từ sáng sớm, tôi đã hòa vào dòng người có vũ trang súng ống, giáo mác, giương cao cờ, biểu ngữ, từ nhiều ngả đường hùng dũng tiếp nối nhau tiến về tỉnh lỵ Hưng Yên. Đoàn người hiên ngang tuần hành, thị uy trên các đường phố, qua dinh tỉnh trưởng tiến về sân vận động của tỉnh để tập trung mít tinh. Già, trẻ, gái, trai, ai cũng vui mừng, phấn khởi vì đã thoát khỏi hai tròng áp bức, bóc lột. Ngày 2/9/1945, tuy không được trực tiếp nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập nhưng người nọ truyền tai người kia, chúng tôi đều cảm thấy sung sướng vì được biết đến những từ tự do, độc lập… Từ đây, chúng tôi được làm chủ cuộc đời mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngày nay, từ nông thôn đến thành thị ngày càng sầm uất, hiện đại. Đường làng, ngõ xóm bê tông hóa rộng thênh thang, nhà cao tầng khang trang… Cuộc sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
78 năm đã trôi qua, trong ký ức và tâm thức của mỗi con người Việt Nam, ngày Quốc khánh 2/9 là một ngày trọng đại. Những ngày này, nhiều hoạt động kỷ niệm 78 năm thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, ngày Quốc khánh 2/9 diễn ra để nhắc nhở chúng ta về thời khắc thiêng liêng của mùa thu lịch sử 78 năm về trước. Những bài học lịch sử, những ký ức về mùa thu độc lập đầu tiên được kể lại cho thế hệ trẻ. Cứ thế, niềm tự hào về ngày Quốc khánh của dân tộc truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chị Nguyễn Thị Liên ở xã Nhân La (Kim Động) cho biết: Qua câu chuyện kể của ông bà, những tư liệu lịch sử… tôi biết thêm về những hy sinh, mất mát của cha ông, hào khí của dân tộc để làm nên mùa Thu Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2/9/1945. Hân hoan đón ngày Quốc khánh 2/9, thế hệ trẻ chúng tôi lại trào dâng niềm tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, lòng biết ơn công lao của các thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh xương máu, tuổi thanh xuân cho độc lập, tự do của Tổ quốc, từ đó, phấn đấu học tập, lao động để góp sức nhỏ bé dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp.
Kể từ ngày Quốc khánh 2/9/1945 năm ấy, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã ra sức thi đua, xây dựng tỉnh ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trên những miền quê bị đô hộ dưới ách thực dân, phong kiến năm xưa là muôn sắc màu mới, in dấu thành công của những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Ở đâu cũng căng tràn sức sống thời đại. Đó là những khu công nghiệp rộn ràng tiếng máy; những công trường thi công đường giao thông nhộn nhịp, bận rộn để nhanh chóng kết nối các tuyến đường; những vườn cây trái, những trang trại cho thu nhập cao… Nhịp đời mới đã và đang hòa vào bản anh hùng ca của quá khứ những âm hưởng đẹp đẽ, hào hùng. Kinh tế và hệ thống hạ tầng cơ sở ngày càng phát triển. Đời sống văn hóa – tinh thần của người dân ngày một nâng cao…
Thu Yến