Nhiều tập đoàn lớn cập bến Việt Nam, sẵn sàng cho những dự án quy mô
Nhiều tập đoàn lớn, bao gồm cả các tập đoàn của Hoa Kỳ, muốn đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Chính phủ cũng đang nỗ lực xây cơ chế để tạo thuận lợi cho việc thu hút đầu tư các dự án này.
Samsung là nhà đầu tư có “truyền thống” thực hiện rất nhanh và nghiêm túc các cam kết với Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh |
Cú hích Samsung
Một khoản đầu tư trị giá 1,8 tỷ USD sẽ được Samsung Display đầu tư vào Bắc Ninh trong thời gian tới. Lẽ ra, kế hoạch này đã sớm được công bố, nếu Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư của Bắc Ninh không phải trì hoãn vì những ảnh hưởng của bão Yagi.
Tuy vậy, khi Hội nghị được tổ chức trở lại, Samsung Display sẽ ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đầu tư dự án này tại Khu công nghiệp Yên Phong, nơi Samsung Display có nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm màn hình OLED cao cấp, tính năng vượt trội.
Khoản đầu tư này góp phần nâng tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên 24,2 tỷ USD, tức là gấp hơn 36 lần so với khoản đầu tư 670 triệu USD ban đầu của Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh vào năm 2008.
Như vậy, một lần nữa, Samsung giữ đúng lời hứa với Chính phủ Việt Nam. Đầu tháng 7/2024, trong khuôn khổ chuyến công du Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae Yong. Tại cuộc gặp này, Chủ tịch Lee Jae Yong cho biết, Samsung có kế hoạch đầu tư mạnh mẽ trong 3 năm tới để nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất module hiển thị lớn nhất của Tập đoàn trên toàn cầu.
Và giờ đây, kế hoạch này đang sớm được Samsung hiện thực hóa. Với khoản đầu tư lên tới 8,3 tỷ USD, Samsung Display sẽ trở thành cơ sở sản xuất màn hình lớn nhất thế giới của Samsung. Điều đó có nghĩa, Việt Nam không chỉ là cứ điểm sản xuất các thiết bị di động, cứ điểm nghiên cứu và phát triển (R&D), mà còn là cứ điểm sản xuất các loại màn hình thế hệ mới.
Những động thái của Samsung cho thấy, Việt Nam đã và đang tiếp tục là điểm đến đầu tư hàng đầu của các “ông lớn”. Và thực tế là không chỉ Samsung, thời gian gần đây, nhiều tập đoàn, công ty lớn trên toàn cầu, bao gồm cả của Hoa Kỳ, cũng đang lên các kế hoạch đầu tư lớn vào Việt Nam. SpaceX, Marvell, Amkor, Lam Research, Google, Apple… là những ví dụ điển hình.
Trong đó, ông lớn bán dẫn Lam Research đang muốn phát triển nhà máy và chuỗi cung ứng tại Việt Nam với vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 1-2 tỷ USD. Amkor cũng mới tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD để nâng tổng vốn đầu tư lên 1,6 tỷ USD. Dự kiến, Bắc Ninh cũng sẽ chính thức trao chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cho Amkor tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư…
Sẵn sàng cho sự “đổ bộ” của đại bàng
Ngày càng nhiều thông tin tích cực cho sự “đổ bộ” của các đại bàng vào Việt Nam trong thời gian tới. Chỉ cách đây ít ngày, Tập đoàn The Trump Organization (Hoa Kỳ) đã tới Hưng Yên để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Mong muốn của The Trump Organization là phát triển dự án trong lĩnh vực khách sạn, sân golf và tổ hợp vui chơi, giải trí tại tỉnh này.
Kế hoạch chi tiết chưa được tiết lộ, song thông tin cho biết, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa rất ủng hộ kế hoạch này. Theo ông Nghĩa, Hưng Yên sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong khung khổ pháp lý để The Trump Organization đến tìm hiểu, xúc tiến hợp tác đầu tư.
Trong khi đó, Hà Nội cũng đang ủng hộ một tập đoàn khác của Hoa Kỳ là Rosen Partners LLC xây dựng một khu công viên giải trí theo mô hình Disneyland tại huyện Gia Lâm và quận Long Biên (Hà Nội), với quy mô khoảng 140 ha.
Cuối năm ngoái, khi gặp gỡ lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, ông Daniel Rosen, Giám đốc Điều hành Tập đoàn Rosen Partner LLC cho biết, Việt Nam là “một thị trường đầu tư rất tiềm năng” và “đang có những cơ hội tuyệt vời”.
Chưa biết những kế hoạch này sẽ được hiện thực hóa đến đâu, nhưng mối quan tâm là có thật. Và chắc chắn không chỉ là với Hoa Kỳ, cơ hội hợp tác kinh tế, đầu tư với đối tác truyền thống, như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản… cũng sẽ được tiếp tục thúc đẩy trong thời gian tới, mở ra cơ hội để Việt Nam đón các đại bàng đến làm tổ.
Để đón đại bàng, thông tin tích cực gần đây, Việt Nam đang nỗ lực cải cách thể chế để gia tăng năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi. Một trong số đó là việc hoàn thiện và sớm thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư, với nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn, vượt trội.
Dự kiến, hôm nay (20/9), Chính phủ tiếp tục có cuộc họp bàn về nội dung này. Trong một động thái khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu, cũng đã bổ sung quy định về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác, nhằm thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp trong nước ở một số ngành ưu đãi đầu tư.
Liên quan đến việc thu hút “đại gia”, Dự thảo Luật bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt. Xây dựng quy định này là để rút ngắn thời gian làm thủ tục đối với các dự án quy mô lớn, các nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực đang khuyến khích đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao.
Với những động thái này, kỳ vọng trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều “ông lớn” cập bến Việt Nam.